Đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa

Thị trường
07:17 AM 04/06/2020

Trong khi các thị trường xuất khẩu gần như đóng băng thì thị trường nội địa đang là "điểm tựa" của doanh nghiệp trong đại dịch...

Thị trường nội địa đang trở thành "sức sống mới" cho các ngành, lĩnh vực khai thác nếu biết tận dụng lợi thế...

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 5, tháng đầu tiên sau giãn cách, nền kinh tế bắt đầu giai đoạn “bình thường mới” và đã có những khởi sắc. Hậu giãn cách, trong tháng 5/2020, đã có 5.056 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 32,7%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 26,9%; xuất khẩu tăng 5,2% so với tháng trước...

Tuy vậy, khó khăn phía trước còn rất lớn, tác động của dịch COVID-19 tiếp tục thử thách sức chống chịu và khả năng bật dậy của nền kinh tế Việt Nam. 

Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu, để hồi phục kinh tế sau đại dịch, cần đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa, cả về tiêu dùng cá nhân, thương mại dịch vụ.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 5/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh “Chúng ta đã chỉ đạo với tinh thần kiên quyết không lùi bước trước thách thức; đổi mới sáng tạo trong điều hành, không cắt đứt gãy chuỗi cung ứng, chủ động thu hút đầu tư ngay từ trong nước”. Đây cũng là cơ hội quan trọng để vươn lên trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn thách thức, tận dụng tốt “thời cơ vàng” để phát triển đi đôi với kiểm soát tốt dịch bệnh. 

Theo đó, Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu, để hồi phục kinh tế sau đại dịch, cần đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa, cả về tiêu dùng cá nhân, thương mại dịch vụ.

Nhận định về chỉ đạo này của Thủ tướng, các doanh nghiệp đều thống nhất cho rằng, đẩy mạnh khôi phục và kích cầu từ thị trường nội địa là mũi tiến công phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay. Trong khi tình hình dịch bệnh trên thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; việc mở cửa thị trường từ bên ngoài còn bị phụ thuộc thì việc tập trung đẩy mạnh cung - cầu từ thị trường nội địa là cần thiết hơn bao giờ.

Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Việt Thắng Jeans – doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc cho biết, “đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam quay lại phục vụ cho thị trường gần 100 triệu dân, bắt đầu từ xây dựng thương hiệu và có mặt hàng mới phù hợp ra thị trường”, ông Việt chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 (May 10) cũng cho biết, May 10 xác định phát triển thị trường nội địa và kết hợp với nhiều doanh nghiệp nội để “cùng nhau vượt khó” do đơn hàng đã giảm 40% so với trước dịch.

Vì vậy, đơn vị đã kết nối với nhiều doanh nghiệp trong nội khối, ngành để tận dụng lợi thế của nhau trong thị trường nội địa. Trong các khâu dịch vụ, May 10 liên kết chiến lược với các đơn vị dịch vụ, các đơn vị vận tải, truyền thông... nhằm kết nối, chia sẻ và tận dụng thế mạnh của các đơn vị, giúp nhau đứng dậy mạnh mẽ sau dịch.

Sau hàng loạt chương trình kích cầu nội địa như “Người Việt Nam du lịch Việt Nam” được thực hiện, trong tháng 5 vừa qua, thị trường du lịch đã từng bước hồi phục. Đẩy mạnh du lịch nội địa được xác định là giải pháp quan trọng trong thời điểm hiện nay.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel đề nghị phải có những động thái mạnh mẽ từ cả doanh nghiệp và nhà nước, tạo động lực từ vùng du lịch trọng điểm, xây dựng sản phẩm du lịch theo chuỗi có sự kết nối cao giữa lữ hành-hàng không-dịch vụ. 

“Tôi dự báo du lịch nội địa chắc chắn sẽ đóng vai trò chủ đạo. Nếu Chính phủ có chính sách tốt thì quy mô thị trường nội địa từ nay đến cuối năm sẽ đạt khoảng 35-40 triệu khách. Nếu như thị trường khách quốc tế vào Việt Nam (inbound) mở ra được vào quý IV và quản trị tốt thì quy mô tối đa của thị trường inbound cũng chỉ là 5-6 triệu khách”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nhận định.

Như vậy, hướng đi "quay đầu" phục vụ thị trường nội địa quy mô gần 100 triệu dân của doanh nghiệp không phải chỉ mới bắt đầu mà thực tế đã được hành động ngay từ khi trong thời gian cao điểm dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Một mặt, thị trường nội địa lúc này đang là "điểm tựa" giúp doanh nghiệp vượt bão COVID-19. Mặt khác, về lâu về dài chính sự phát triển của thị trường nội địa sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa Việt một cách mạnh mẽ, có tính cạnh tranh cao, phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Cùng với đó, thị trường nội địa sẽ đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Điều này cũng nhất quán với chỉ đạo ngay từ đầu của Chính phủ từ khi có dịch xảy ra; tuy rằng ở phiên họp thường kỳ tháng 5 đã một lần nữa, trong bối cảnh "bình thường mới" được Thủ tướng quán triệt, nâng cao và cô đọng hơn ở phương châm hành động “lấy cung làm chủ đạo và đẩy mạnh cầu của nền kinh tế” để hồi phục sau đại dịch COVID-19...

Ý kiến của bạn