Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm
Thu nhập giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đa phần người tiêu dùng trong nước phải cắt giảm chi tiêu, thắt chặt hầu bao. Do đó, muốn phục hồi kinh tế thì một trong những việc cần làm là kích cầu sức mua ở thị trường nội địa
Sức mua giảm sâu
Mặc dù COVID-19 đã làm thói quen mua sắm thay đổi, người tiêu dùng chuyển từ mua sắm trực tiếp sang trực tuyến khá đông, những tưởng sức mua vẫn được duy trì nhưng thực tế, con số mua hàng đã giảm sâu.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, thương mại bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong trong tháng 10 năm 2021 tăng 18,5% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 19,52% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm khá sâu bởi lâu nay thị trường nội địa của Việt Nam với gần 100 triệu dân, sức mua tăng trưởng mạnh luôn là yếu tố hấp dẫn trong mắt các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo khảo sát của Nielsen Việt Nam, hộ gia đình có thu nhập 6 triệu đồng trở xuống bắt buộc phải thắt chặt chi tiêu do ảnh hưởng của dịch bệnh; nhóm có thu nhập từ 8 - 20 triệu đồng cũng buộc phải điều chỉnh chi tiêu, chuyển từ các sản phẩm cao cấp sang sử dụng các mặt hàng bình dân hơn, chủ yếu rơi vào nhóm thực phẩm, thức uống; nhóm thu nhập cao cũng thể hiện việc giảm mức chi tiêu cho các mặt hàng cao cấp thuộc nhóm không thiết yếu.
Lý giải thương mại bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm mạnh trong 10 tháng qua, Bộ Công Thương nhìn nhận nguyên nhân trực tiếp là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhất là các địa phương lớn như TP.Hà Nội, TP. HCM Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của các địa phương này chiếm tỷ trọng 50 - 60% của cả nước) bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đa dạng, linh hoạt các giải pháp kích cầu
Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với tiêu thụ thị trường trong nước xuất phát từ thu nhập của người tiêu dùng sụt giảm do tác động của dịch COVID-19 khiến họ phải điều chỉnh hành vi tiêu dùng, dẫn đến tổng cầu suy giảm. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần có những giải pháp để kích cầu sức tiêu dùng trong nước thông qua các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế.
Để kích cầu tiêu dùng cuối năm, bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, hiện Sở đã trình thành phố ban hành kế hoạch kích cầu tiêu dùng năm 2021. Dự kiến, trong quý IV/2021, Sở sẽ tập trung triển khai 43 sự kiện kích cầu tiêu dùng cho các doanh nghiệp nhằm đưa các sản phẩm của các doanh nghiệp đến tay người tiêu dùng; Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”; Chương trình “Tháng khuyến mại tập trung TP. Hà Nội” năm 2021… và các sự kiện kích cầu nội địa, tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa doanh thu dịch vụ. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp phân phối tổ chức các chương trình khuyến mại, hội chợ Tết phù hợp phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân.
Về hoạt động liên kết tạo nguồn cung hàng hóa ổn định, Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan tiếp tục giới thiệu đầu mối, nguồn cung hàng hóa từ các tỉnh đến hệ thống phân phối, chợ dân sinh, cửa hàng trên địa bàn Hà Nội; hỗ trợ các tỉnh tổ chức điểm bán sản phẩm tại Hà Nội trong thời điểm thích hợp; phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các tỉnh để chủ động nắm nguồn cung mặt hàng thiết yếu và sẵn sàng đưa về Hà Nội để đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong dịp Tết của nhân dân.
Về phía Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước như: tổ chức tháng khuyến mại trên toàn quốc, các chương trình bán hàng lưu động, chương trình bình ổn thị trường… Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp bán lẻ…
Trong đó, việc đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại thời điểm này hết sức có ý nghĩa và quan trọng, để tiếp tục khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc của người tiêu dùng, các doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng cuộc vận động, qua đó tạo nên sức mua cho hàng hoá Việt Nam.
Hoài ThươngDự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.