Đẩy mạnh liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã
Sáng 26/10, tại khách sạn Hà Nội Daewoo, Tạp chí Kinh doanh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn: “Đẩy mạnh liên kết vùng - tăng tốc phát triển kinh tế: Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã”.
Tham dự Diễn đàn có ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục chế biến & Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), ông Dương Thái Trung - Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), TS. Trần Hồng Minh - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cùng đại diện các nhà phân phối, các doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) các tỉnh, thành.
"Nhạc trưởng" cho sự liên kết giữa doanh nghiệp và HTX
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, hiện nay có tới 28.237 HTX, trong đó, 18.785 HTX nông nghiệp, 9.452 HTX phi nông nghiệp. 130.760 tổ hợp tác, 120 liên hiệp HTX, vai trò liên kết vùng lại càng trở nên quan trọng khi mà khu vực này đang thu hút khoảng 7 triệu thành viên. Các HTX hiện nay đã thu hút được 3,28 triệu hộ nông dân, chiếm khoảng 38% tổng số hộ nông dân cả nước. Trên địa bàn cả nước đã tổ chức được trên 1.600 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, trong số các chuỗi nêu trên có sự tham gia của trên 300 công ty, 150 HTX.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thịnh, vai trò của các bên tham gia hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị nông sản còn nhiều hạn chế. Hiện còn gần 70% HTX nông nghiệp chưa tham gia tiêu thụ nông sản, chưa làm vai trò cầu nối nông dân với doanh nghiệp, một số HTX có tham gia nhưng cũng ở mức độ, quy mô nhỏ.
Số lượng doanh nghiệp tham gia vào các hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ít về số lượng, quy mô nhỏ, vai trò đầu tàu của các doanh nghiệp trong công việc xây dựng, duy trì và phát triển bền vững các liên kết chuỗi giá trị còn mờ nhạt.
Trong khi đó, hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa bền vững, chủ yếu vẫn là thỏa thuận mua bán, tổ chức các vùng nguyên liệu đạt chuẩn về chất lượng, sản xuất theo hợp đồng gắn với thị trường tiêu thụ diễn ra chậm. Việc tiêu thụ sản phẩm còn qua nhiều trung gian, hiệu quả kinh tế không cao.
Do vậy, liên kết vùng đối với doanh nghiệp và HTX rất cần có "nhạc trưởng" để tái phân công và phối hợp trên quy mô vùng, cả trong đột phá vể thể chế, đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng nhằm tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế (trong đó có kinh tế hợp tác, HTX), tạo sức hấp dẫn mới thu hút nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế tập thể là rất cấp thiết.
Sự liên kết này giúp các HTX xây dựng quy trình sản xuất theo hướng an toàn, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, liên kết theo chuỗi gắn với tiêu thụ, tổ chức nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng cho cán bộ quản lý HTX, kỹ năng đàm phán ký kết hợp đồng... Từ đó, giúp nông dân và thành viên HTX hiểu được nhu cầu của người tiêu dùng, làm ra những sản phẩm theo yêu cầu với giá trị kinh tế cao hơn, thay vì sản xuất và tiêu thụ theo truyền thống "bán cái mình có" như trước, hay nói cách khác thay vì sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Hơn nữa, việc liên kết sản xuất nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết hoàn chỉnh cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các chủ thể là HTX, doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
Một số giải pháp liên kết doanh nghiệp và HTX với tiêu thụ sản phẩm
Để đưa nông dân vào guồng máy sản xuất lớn trong nền nông nghiệp hiện đại cùng với sự liên kết vùng của doanh nghiệp và HTX thì phải giải quyết được bài toán tích tụ ruộng đất. Vấn đề này cần nhà quản lý, nhà khoa học lên tiếng, coi đây là cứu cánh quan trọng để phát triển nông nghiệp, quy hoạch vùng, sản xuất ổn định cho sản phẩm cũng là vấn đề cấp bách. Cần phải rõ ràng và mang tính lâu dài, tạo vùng sản xuất công nghiệp, hàng hóa, quy mô sản xuất lớn.
Ngoài ra, cần thắt chặt liên kết "4 nhà" (trong đó có mô hình liên kết HTX, liên minh HTX) nhằm khắc phục những hạn chế hiện nay trong sản xuất nông nghiệp; quan tâm đầu tư hạ tầng sản xuất và khâu tiêu thụ sản phẩm của các HTX nói riêng và các đơn vị sản xuất kinh doanh nông nghiệp nói chung; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất (bao gồm cơ cấu cây trồng, vật nuôi) theo hướng chuyên môn hóa theo vùng lãnh thổ và mở rộng liên kết vùng. Liên kết giữa doanh nghiệp và HTX, hộ nông dân, những vùng nguyên liệu tập trung có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ.
"Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao", tôi tin rằng nếu có sự liên kết giữa doanh nghiệp và HTX, phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị thì khu vực kinh tế tập thể sẽ phát huy được vai trò, tiềm năng của mình cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng của nền kinh tế nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam
Đồng thời, liên kết kinh tế mọi mặt, quy tụ, tập trung các HTX, hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ. HTX thành cụm, thành tổ, thành nhóm để thuận lợi cho việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đưa công nghệ mới vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa, cũng như kiểm tra, giám sát thu mua nông sản; hướng tới sản xuất cây, con với năng suất cao, giá thành hợp lý. Từ đó hình thành các vùng sản xuất tập trung.
Ngoài ra, các đơn vị cần gắn hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX với xây dựng nông thôn mới. Nông thôn mới đòi hỏi phải có nông dân kiểu mới, nông dân trong các HTX hoặc tập đoàn sản xuất có liên kết với doanh nghiệp, đầu ra phải được đào tạo nhuần nhuyễn, kiến thức và kỹ năng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc Global GAP theo đặt hàng của doanh nghiệp.
Còn doanh nghiệp nên tìm, mở được thị trường tiêu thụ. Tổ chức liên kết với nông dân, HTX về vùng quy hoạch nguyên liệu, phối hợp với các cơ quan khoa học để có quy trình GAP huấn luyện cho nông dân, đầu tư cho nông dân...
Phát huy vai trò của các HTX, Liên minh HTX
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cũng nhấn mạnh nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ và cần sự "vươn mình vượt khó" từ tất cả các khu vực kinh tế. Vì vậy, các HTX, Liên minh HTX cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động quản trị, tổ chức sản xuất, thương mai, gắn với quá trình gia tăng hợp tác, liên kết với các chủ thể khác trong các cụm liên kết ngành. Quá trình thực hiện cần đi vào thực chất, hướng tới hiệu quả và lợi ích cho tất cả các bên.
TS. Hồng Minh cũng đề nghị các HTX, Liên minh HTX cần thường xuyên trao đổi, kết nối với các cơ quan hoạch định chính sách, cộng đồng doanh nghiệp, nhà khoa học nhằm tìm kiếm những hướng đi mới, thông lệ tốt, giải pháp hay để tăng năng lực ứng phó với những biến động phức tạp, khó lường của thị trường thế giới và trong nước.
Ông Dương Thái Trung, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Thị trường nông sản của Việt Nam thời gian qua đã có những bước phát triển vượt bậc cùng với những thành tựu to lớn của nền nông nghiệp nước nhà. Một số mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam có thị phần lớn và chiếm vị trí dẫn đầu trong các nước xuất khẩu nông sản như: gạo, hồ thiêu, hạt điều, cà phê.
Tuy nhiên, tiêu thụ hàng nông sản nước ta liên tục gặp khó khăn, hàng nông sản có thời điểm rơi vào tình trạng "được mùa mất giá". Phần lớn hệ thống phân phối nông sản là tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, tổ chức kém và thiếu liên kết làm tăng rủi ro, chi phí giao dịch, gây khó khăn cho kiểm soát chất lượng.
Thị trường xuất khẩu nông sản lệ thuộc nhiều vào thị trường truyền thống dễ bị tổn thương khi thị trường này bị ngưng trệ do nguyên nhân khách quan và chủ quan. Hiện tượng mất cân đối cung cầu đối với nhiều mặt hàng nông sản vẫn diễn ra phổ biến.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước khuyến nghị cần phát triển kinh tế trang trại, HTX góp phần đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Trong đó, các chính sách hướng đến thúc đẩy HTX tham gia sâu vào liên kết chuỗi giá trị, giúp HTX phát triển các hoạt động có giá trị gia tăng, khuyến khích các hộ nông dân tham gia HTX.
Cùng với đó là các chính sách tăng cường xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ; chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế, phí; Chính sách và giải pháp về đất đai…
Phát triển kinh tế trang trại, HTX, tạo điều kiện để HTX tham gia sâu vào liên kết chuỗi giá trị, giúp HTX phát triển các hoạt động có giá trị gia tăng, khuyến khích các hộ nông dân tham gia HTX. Phát triển mạnh thương mại điện tử và áp dụng truy xuất nguồn gốc trong kinh doanh tiêu thụ nông sản; bảo đảm vận hành tốt các kênh trực tiếp và online.
Bài và ảnh: Quỳnh Vi - Lưu ĐoànTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.