Đẩy mạnh phát triển du lịch bằng đường sắt

Kinh doanh
08:34 AM 09/04/2025

Chuyển mình nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra những sản phẩm mới, bắt tay với các đơn vị lữ hành... đó là những bước đi hiện nay của ngành đường sắt trong nỗ lực thu hút khách, đặc biệt là khách du lịch.

Theo Cục Thống kê, tính chung quý I/2025, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6 triệu lượt, cao nhất từ trước đến nay, tăng 29,6% so với quý I/2024.

Cơ bản du lịch Việt Nam đã phục hồi sau đại dịch COVID-19. Và hơn nữa, Việt Nam cũng đã đặt ra nhiều mục tiêu lớn hơn trong thời gian tới, cụ thể về phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch mới,... đã được chú trọng nhiều hơn.

Đẩy mạnh phát triển du lịch bằng đường sắt- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: VNR

Trong đó, ngoài việc đẩy mạnh du lịch xanh, du lịch bền vững thì “câu chuyện” mới về du lịch đường sắt đang dần nhận được nhiều sự quan tâm từ du khách. 

Với những ưu điểm vượt trội về an toàn, ổn định và khả năng vận chuyển hành khách, hàng hóa với số lượng lớn, đường sắt đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong lĩnh vực du lịch, đường sắt mang đến những trải nghiệm độc đáo mà các phương tiện khác khó có thể thay thế.

Tại Hội thảo "Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Bình Định và kết nối sản phẩm du lịch đường sắt Đà Nẵng, Khánh Hòa", ông Hà Trọng Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần vận tải đường sắt, cho biết trong dòng xoáy cạnh tranh khốc liệt giữa các loại hình dịch vụ, thời gian ngắn gần đây ngành đường sắt dù còn rất nhiều khó khăn, song dễ nhận thấy ngành này đã sự chuyển mình đổi mới. Ngành đường sắt đã “chịu chi” hơn cho việc cải tiến, sáng tạo nâng cao chất lượng dịch vụ và đưa ra nhiều sản phẩm mới phục vụ hành khách.

Từ năm ngoái, hàng loạt các sản phẩm mới hướng đến phục vụ khách du lịch như tàu chất lượng cao SE19-20; SE20-21; Tàu kết nối di sản Huế - Đà Nẵng; Tàu đêm Đà Lạt - Trại Mát; Tàu Food-tour Hà Nội - Hải Phòng... liên tiếp ra mắt phục vụ du khách. 

Hay như chuyến tàu kết nối di sản Huế - Đà Nẵng, tàu Hà Nội - Đà Nẵng, tàu đưa khách đi tuyến "food tour Hải Phòng"... nhiều thời điểm phải đặt trước nhiều ngày nhưng vẫn hết vé, kín chỗ.

Cùng với đó, ngành đường sắt còn tổ chức các hoạt động văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật tại các nhà ga để biến nhà ga thành "điểm đến" cho nhân dân và hành khách.

Hiện nay, trên tuyến đường sắt có một đường nhánh Quy Nhơn - Diêu Trì dài 10km, hằng ngày chỉ tổ chức chạy 1 đôi tàu khách SE29, SE30 (Sài Gòn - Quy Nhơn), do đó năng lực chạy tàu còn dư thừa rất phù hợp với tổ chức khai thác tàu du lịch. 

Trong khi đó, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhìn nhận, hiện, ngành hàng không đang gặp khó khăn khi số lượng tàu bay không nhiều, giá vé còn cao… Đây là cơ hội cho đường sắt phát triển. Song CTCP Vận tải Đường sắt phải có cam kết rõ ràng đối với cước phí vận chuyển để có giá tour hợp lý.

Bên cạnh đó, đưa thêm nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương như văn hóa - nghệ thuật, ẩm thực, sản phẩm OCOP… vào hệ sinh thái đường sắt để tăng trải nghiệm cho du khách trong nước và quốc tế trên các toa tàu, chuyến tàu. Xây dựng các sản phẩm chuyên biệt nguyên toa, nguyên chuyến theo yêu cầu dành cho khách du lịch.

Cần khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành xây dựng nhiều chương trình du lịch mới gắn với đường sắt và bản sắc du lịch địa phương để khách du lịch có nhiều sự lựa chọn khi tham gia các chuyến tàu du lịch. Nâng cao hơn nữa công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch truyền thống nói chung và sản phẩm du lịch đường sắt nói riêng để thu hút khách du lịch.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn