Đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch sinh thái ở xã Hồng Vân
Những năm qua, dựa trên tiềm năng sẵn có của địa phương, xã Hồng Vân (Thường Tín, Hà Nội) đã đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái. Nhờ khai thác lợi thế từ các sản phẩm nông nghiệp, mô hình này đang cho thấy những hiệu quả bước đầu, mở hướng đi mới để phát triển nông thôn bền vững.
Tạo hướng đi bền vững
Hồng Vân là xã nằm ở phía đông của Huyện Thường Tín, cách trung tâm Hà Nội 18 km về phía Nam. Xã có diện tích tự nhiên là 4,2km2, với dân số trên 6.000 người. Là một vùng đất ven sông, từ xưa xã đã có truyền thống lịch sử - văn hóa và nổi tiếng với các sản phẩm nông nghiệp, nhất là nghề trồng cây cảnh.
Đầu những năm 2000, ở Hồng Vân phát triển mạnh mẽ nghề trồng các loại cây cảnh cung cấp cho thị trường. Năm 2008, hai làng Cơ Giáo, Xâm Xuyên được công nhận là làng nghề sinh vật cảnh. Đây là cơ hội để những người nông dân Hồng Vân bằng bằng tay khối óc làm giàu trên mảnh đất quê hương, nhưng cũng như bao làng nghề khác, nghề trồng cây cảnh ở Hồng Vân cũng phải hứng chịu những cơn bão của thị trường.
Năm 2011, kinh tế trong nước gặp khó khăn, khách tìm đến mua cây cảnh ngày một ít, nghề trồng cây cảnh ở Hồng Vân bị ảnh hưởng nặng nề. Giữa lúc khó khăn, cấp ủy, chính quyền xã Hồng Vân bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; đồng thời, xác định phát triển kinh tế du lịch là hướng đi đúng đắn, tất yếu để khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của xã, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Quá trình xây dựng nông thôn mới, dồn điền đổi thửa, xã đã hoàn thành quy hoạch tổng thể và các quy hoạch chi tiết; tập trung quy hoạch Điểm du lịch của xã trên cơ sở 02 làng nghề sinh vật cảnh và các vùng sản xuất nông nghiệp.
Hiện nay trên địa bàn xã Hồng Vân có trên 30 nghệ nhân, thợ giỏi, có khả năng chế tác những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật, cây bonsai, đồ đá mỹ nghệ… nổi tiếng xứ Bắc. Hồng Vân còn là nơi in đậm dấu ấn Truyền thuyết Tiên Dung - Chử Đồng Tử cùng với nhiều công trình văn hóa, lịch sử… Đây là tiềm năng to lớn để xã phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và du lịch văn hóa tâm linh.
Hồng Vân chính là điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh được UBND thành phố Hà Nội công nhận năm 2018 với diện tích 128 ha. Những năm qua, xã Hồng Vân tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo định hướng sản xuất chuyên canh hàng hóa và khai thác du lịch - dịch vụ trong nông nghiệp. Những tuyến đường khang trang, rộng đẹp được đầu tư nâng cấp đồng bộ. Thảm hoa, cây xanh phủ bóng ven những con đường, ngõ xóm dẫn vào khu dân cư.
Ông Nguyễn Văn Phượng - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Trên cơ sở đánh giá tiềm năng, lợi thế của địa phương, Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXVI xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, xã Hồng Vân cơ bản trở thành điểm Du lịch - Sinh Thái - Làng nghề.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXVI đã tác động lớn đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nếp nghĩ, cách làm của những nông dân Hồng Vân vốn chăm chỉ, cần cù và năng động. Họ đã cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chung tay tìm hướng đi mới để giữ nghề truyền thống và làm giàu cho quê hương. Các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng du lịch với vai trò trung tâm của các hợp tác xã kiểu mới lần lượt ra đời như: Mô hình liên kết sản xuất hoa, cây cảnh, rau củ quả, chăn nuôi và thăm quan quy trình sản xuất trà chùm ngây, trà trâu cổ, rượu hoa quả của Hợp tác xã hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân; mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với khai thác dịch vụ tâm linh trải nghiệm dọc sông Hồng; mô hình "Ẩm thực đồng quê" phục vụ du khách các món ăn mang đặc trưng của vùng làng quê ven sông, mô hình sản xuất đá mỹ nghệ mô hình trồng hoa hồng…
Để Hồng Vân phát triển thành điểm du lịch hấp dẫn
Ông Nguyễn Văn Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân chia sẻ: Từ khi áp dụng mô hình du lịch sinh thái, xã đã có nhiều thay đổi tích cực trên các mặt kinh tế và đời sống xã hội. Về kinh tế, xã xác định mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025, đưa Hồng Vân trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch của du khách trong và ngoài TP; đưa kinh tế thương mại- du lịch - dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chủ lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động sang tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ.
Do đó, đối với các mô hình sản xuất nông nghiệp, làng nghề có khai thác dịch vụ, du lịch đã góp phần nâng cao giá trị trên 1 đơn vị đất canh tác; bên cạnh đó việc các mô hình thí điểm xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch theo chuỗi liên kết, mang tính đặc trưng của địa phương, góp phần hoàn thiện các sản phẩm du lịch của xã, đáp ứng nhu cầu của du khách.
Tuy nhiên cũng theo ông Phượng, vẫn còn nhiều khó khăn vì điểm du lịch tại xã đang trong quá trình tiếp tục đầu tư, đồng bộ xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ du lịch và tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm du lịch. Cần cơ chế, chính sách đặc thù trong sử dụng đất thuộc điểm du lịch để các hộ đầu tư, xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ du lịch…
Giai đoạn 2022-2025, xã Hồng Vân sẽ tập trung huy động các nguồn lực đầu tư và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư vào phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, làng nghề mang tính đặc trưng, độc đáo; nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của xã để phát triển kinh tế xanh.
Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang thương mại, dịch vụ; chuyển dịch cơ cấu sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, làng nghề. Ưu tiên phát triển kinh tế nông thôn thông qua thương mại, dịch vụ, du lịch với các loại hình du lịch sinh thái - nông nghiệp - làng nghề, du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch cộng đồng có ứng dụng công nghệ số, thông minh.
Từng bước đầu tư hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật thương mại, dịch vụ, du lịch; bảo tồn, phát huy giá trị Truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung, tín ngưỡng thờ Mẫu và các giá trị văn hóa truyền thống bản địa, làng nghề, phát triển đa dạng sinh học, xây dựng không gian du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường nhằm tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, thu hút du khách; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.