Đẩy mạnh triển khai mô hình khu công nghiệp sinh thái
Phát triển khu công nghiệp sinh thái đồng nghĩa với việc tham gia vào các hoạt động sản xuất sạch hơn, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường với mục tiêu giảm lượng phát thải carbon về 0.
Theo báo cáo mới đây của Savills Hà Nội, công nghiệp xanh đang trở thành xu hướng toàn cầu. Tại Việt Nam, mô hình khu công nghiệp sinh thái đã được hình thành từ năm 2014 với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
Giai đoạn 2015-2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp cùng Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) triển khai chuyển đổi 4 khu công nghiệp thí điểm sang khu công nghiệp sinh thái. Từ năm 2020 đến 2024, mô hình này được nhân rộng tại Hải Phòng, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh, góp phần tăng trưởng GDP từ 0,8%-7% và giảm khí thải từ 8%-70%.
Số lượng khu công nghiệp sinh thái tuy vẫn còn hạn chế nhưng trong tương lai, nhu cầu về loại hình bất động sản này sẽ tăng trưởng.
Theo dữ liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2030, mục tiêu khoảng 40-50% các tỉnh thành trong cả nước sẽ có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu thành khu công nghiệp sinh thái; 8-10% các tỉnh thành sẽ có định hướng xây dựng các khu công nghiệp sinh thái mới.
Dẫn đầu về xu hướng này ở Việt Nam là các khu công nghiệp VSIP và DEEP C. Những đơn vị này đang sử dụng hệ thống năng lượng điện mặt trời áp mái để cung cấp điện cho một phần khu công nghiệp.
Theo Savills, việc phát triển các khu công nghiệp xanh hiện đang ở thời kỳ đầu và sẽ là câu chuyện dài hạn. Savills cho hay, khoảng 80 - 85% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều có yêu cầu cao về các tiêu chuẩn ESG khi lựa chọn địa điểm thuê nhà máy, ưu tiên yếu tố bền vững.
Phát triển khu công nghiệp xanh đồng nghĩa với việc tham gia vào các hoạt động sản xuất sạch hơn, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường với mục tiêu giảm lượng phát thải carbon về 0. Trong bối cảnh công nghiệp xanh ngày càng được chú ý, các chứng chỉ khu công nghiệp xanh như LEED, EDGE, Green Mark... sẽ giúp các doanh nghiệp có định hướng rõ ràng hơn trong quá trình chuyển đổi.
Để có thể cạnh tranh hiệu quả với các thị trường lân cận như Thái Lan, Philippines, và Indonesia, nơi đã phát triển thành công nhiều dự án khu công nghiệp xanh, chúng ta cần đáp ứng nhu cầu này. Điều này sẽ giúp tăng cường sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và nâng cao vị thế của chúng ta trên thị trường toàn cầu.
Hiện nay, theo Savills, hầu hết các dự án khu công nghiệp hiện hữu tại Việt Nam đều được phát triển theo mô hình truyền thống, chưa được áp dụng nhiều giải pháp thiết kế theo hướng bền vững. Việc chuyển đổi một khu công nghiệp thông thường thành khu công nghiệp thân thiện với môi trường không đơn giản bởi chi phí tốn kém và cần sự xem xét kỹ lưỡng của Chính phủ về khung pháp lý. Chi phí xây dựng các khu công nghiệp xanh thường cao hơn khoảng 30% so với các khu công nghiệp truyền thống.
Do đó, cần có thêm những chính sách ưu đãi cùng với việc áp dụng hỗ trợ tín dụng cho các nhà đầu tư giúp giảm gánh nặng chi phí ban đầu.
Minh An (t/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.