Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để tăng trưởng kinh tế trong đại dịch

Đầu tư và Tiếp thị
10:06 AM 07/06/2021

Gần nửa năm trôi qua, tình hình giải ngân vốn đầu tư công của nhiều bộ, ngành và địa phương vẫn diễn ra khá chậm. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần phải có các biện pháp kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính, ước từ đầu năm đến hết tháng 5/2021 đã giải ngân được 117.493 tỷ đồng, đạt 20,32% kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước. Trong đó, vốn trong nước ước giải ngân đạt 21,69% kế hoạch; vốn nước ngoài ước giải ngân được 8,06% kế hoạch.

Đối với vốn kế hoạch các năm trước kéo dài chuyển sang năm 2021, ước đến hết tháng 5 đã giải ngân đạt 22,79% kế hoạch. Còn đối với vốn kế hoạch năm 2021 đã giải ngân đạt 19,99% kế hoạch.

Đánh giá của Bộ Tài chính cho thấy, ước tính giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2021 trong 5 tháng đầu năm mới chỉ đạt khoảng 102.000 tỷ đồng, bằng 22,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ 2020 đạt 25,98%).

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nhận định: Một trong những động lực tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng lớn nhất hiện nay, đó là nguồn vốn đầu tư công. Các dự án đầu tư công trọng điểm chậm hoàn thành theo tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công chậm, không chỉ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án, mà còn làm tăng áp lực nợ công cho Nhà nước.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm ảnh hưởng đến động lực tăng trưởng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Thống kê cho thấy hiện có 7 bộ và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25% kế hoạch; trong đó, một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như: Thái Bình đạt 73,74%, Hưng Yên 47,22%, Kiểm toán nhà nước 46,89%, Nam Định 45,17%, Thanh Hóa 44,39%, Hà Nam 41,46%.

Cùng với đó, hầu hết các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Theo đó, có 39/50 bộ, ngành và 17/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%; trong số đó, có 13 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn và 8 bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 1%.

Lý giải nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2021 thấp, theo phản ánh từ các bộ, ngành, địa phương, là do dịch COVID-19 bùng phát trở lại, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách, phong tỏa khiến việc thi công và giải ngân bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, thời gian này, giá cả vật liệu tăng cao đột biến, đặc biệt là thép xây dựng đã làm ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực và tiến độ thi công, thậm chí một số nhà thầu có tâm lý chững lại để chờ giá nguyên vật liệu ổn định.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công, nhất là nguồn vốn đầu tư kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 13/2021/CT-TTg yêu cầu đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công các dự án được giao quản lý...

Theo các chuyên gia, trong thời điểm nền kinh tế bị tác động bởi dịch COVID-19, đầu tư công đóng vai trò rất quan trọng. Do vậy, đẩy nhanh tiến độ triển khai cũng như giải ngân nguồn vốn đầu tư công được ví như 1 mũi tên trúng 2 đích: vừa tạo thêm thêm việc làm, thu nhập cho nhiều ngành vừa hoàn thiện hạ tầng phát triển, sớm hình thành những vùng, trục tăng trưởng kinh tế mới cho đất nước.

Huyền Thương (T/h)
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người của người Hà Nội năm 2010 đạt khoảng 2 triệu đồng/tháng thì đến năm 2022 đạt 6,4 triệu đồng/tháng, tăng gấp 3 lần sau hơn 10 năm.