ĐBQH đề nghị làm rõ nội dung nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra độc lập

Chính sách
09:12 PM 29/10/2022

Tại chương trình Kỳ họp thứ 4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

ĐBQH Đoàn Nghệ An: Đề nghị làm rõ nội dung nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra độc lập - Ảnh 1.

Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thanh tra (sửa đổi) và nhất trí với những nội dung cơ bản của dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đồng thời giải trình một số nội dung liên quan đến các quy định của dự thảo luật về: Thanh tra huyện; việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ; thanh tra Cục thuộc Tổng cục; Thanh tra sở; trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động thanh tra; việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với kiểm toán; trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra và Đoàn thanh tra.

ĐBQH Đoàn Nghệ An: Đề nghị làm rõ nội dung nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra độc lập - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

Phát biểu thảo luận đối với dự thảo Luật trên, ông Trần Nhật Minh - đại biểu Quốc hội chuyên trách Đoàn Nghệ An nêu ý kiến vào một số nội dung. Trước hết, đối với quy định cho phép thành lập Cơ quan Thanh tra độc lập tại Tổng cục thuộc Bộ và Cục thuộc Tổng Cục đối với các cơ quan quản lý thu như: Thuế, Hải quan... theo quy định của Luật hiện hành thì vẫn đang thực hiện chức năng thanh tra và bố trí đội ngũ công chức làm công tác thanh tra, song không có tổ chức thanh tra độc lập; theo dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này, sẽ được chuyển thành tổ chức thanh tra độc lập, không gây biến động lớn về bố trí đội ngũ cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Nhật Minh, cơ quan soạn thảo cần làm rõ để cân nhắc phù hợp trên một số khía cạnh như: Làm rõ về nội dung quyền hạn và trách nhiệm giữa người đứng đầu tổ chức Thanh tra thuộc cơ quan quản lý thu và Thủ trưởng cơ quan quản lý thu cấp Tổng Cục, Cục đối với nội dung các vụ việc được thanh tra; cũng như cần làm rõ việc trích để lại một phần tiền thu hồi khi đây là các cơ quan thực hiện chức năng thu và đã được hưởng hệ số lương tăng thêm theo cơ chế đặc thù; kinh phí phát sinh để chi trả phụ cấp Thanh tra viên thuộc các cơ quan Thanh tra này (nếu có).

Thứ hai, đối với việc cho phép các cơ quan thanh tra được trích một phần số tiền từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra, dự thảo luật đang quy định "theo quy định của Chính phủ", cụ thể theo Thông tư 327 ngày 26/12/2016 của Bộ Tài chính thì mức trích hiện nay là từ 10 - 30% tuỳ theo số tiền thu hồi.

Đối với nội dung này, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị nên quy định rõ tỷ lệ được trích trong Luật để bảo đảm tính rõ ràng, thống nhất và nên quy định ở mức tương thích, đảm bảo công bằng giữa các lực lượng. Ví dụ, hiện nay theo Nghị quyết số 325/2016 ngày 29/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định Cơ quan Kiểm toán Nhà nước được trích lại mức 5%.

ĐBQH Đoàn Nghệ An: Đề nghị làm rõ nội dung nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra độc lập - Ảnh 3.

Ông Trần Nhật Minh - đại biểu chuyên trách Đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

Phát biểu thảo luận, vị đại biểu Đoàn Nghệ An cũng đã chỉ ra một số quy định còn chồng chéo, mẫu thuẫn trong dự thảo Luật. Ví dụ, Chánh Thanh tra Bộ và Chánh Thanh tra tỉnh đều được quy định nhiệm vụ, quyền hạn là "xem xét, xử lý những vấn đề liên quan đến công tác thanh tra mà Chánh Thanh tra sở không nhất trí với Giám đốc sở”.

Theo đại biểu, quy định như trên là chưa rõ ràng, còn trùng chéo trong thẩm quyền giữa Chánh Thanh tra Bộ và Chánh Thanh tra tỉnh, khó thực hiện; qua đó đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn về thẩm quyền xử lý trong trường hợp này, cụ thể là chỉ giao cho Chánh Thanh tra tỉnh có thẩm quyền xử lý; điều này là phù hợp với quy định tại Nghị định 24 ngày 4/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về vị trí và chức năng của sở.

Cùng với đó, liên quan đến xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, ông Trần Nhật Minh cho rằng: Khi xảy ra trường hợp chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục với Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở hoặc Thanh tra huyện thì chỉ nên quy định Chánh Thanh tra các cơ quan đó trao đổi với Chánh Thanh tra tỉnh là phù hợp, đúng thẩm quyền, tập trung một đầu mối ở địa phương để dễ thực hiện, tránh sự rườm rà về mặt thủ tục tương tự.

Thái Quảng (TH)
Ý kiến của bạn
Cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng hơn 40 lần Cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng hơn 40 lần

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 11/2024, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng (GTGT) sang Mỹ đạt hơn 2 triệu USD, tăng 4.270% (tương đương tăng gấp 42 lần) so với cùng kỳ năm 2023.