ĐBSCL: Phát huy thế mạnh là 1 trong 6 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước

Địa phương
04:49 PM 06/07/2022

Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định ĐBSCL là 1 trong 6 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này sẽ tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên vùng ĐBSCL - vùng đất "9 rồng" theo tinh thần "cả nước vì ĐBSCL; ĐBSCL vươn lên cùng cả nước và vì cả nước".

Thế mạnh đồng bằng, vựa lúa số một cả nước - Ảnh 1.

Theo đó, Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra 6 quan điểm chỉ đạo quan trọng và rất mới mẻ với một loạt giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; về phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng.

Nông nghiệp vẫn là nguồn kinh tế trọng điểm của vùng ĐBSCL. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Hè Thu 2022, tính đến đầu tháng 6, toàn vùng đã gieo cấy được 1.468.843 ha/1.610.784 ha, đạt 91,19% so với kế hoạch. Vụ Thu Đông - Mùa, toàn vùng đã xuống giống được 26.877 ha chủ yếu giai đoạn mạ; năng suất ước đạt 57,21 tạ/ha; sản lượng khoảng 4.004 nghìn tấn. Xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian từ tháng 1-5/2022 tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2021, giá gạo 5% tấm của Việt Nam vẫn ổn định ở mức từ 420-425 USD/tấn.

Ngày 18/6/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Nghị quyết số 78/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Nghị quyết đề ra một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 như: Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 6,5-7%/năm. Quy mô nền kinh tế đến năm 2030 gấp 2-2,5 lần so với năm 2021. Tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong tổng thu nhập vùng (GRDP) khoảng 20%… GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 146 triệu đồng/người/năm.

ĐBSCL phát huy thế mạnh đồng bằng, vựa lúa số một cả nước - Ảnh 2.

ĐBSCL thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bao gồm 13 tỉnh, thành phố với tổng diện tích khoảng 40,6 nghìn km2; dân số vùng khoảng 17,5 triệu người, chiếm gần 18% dân số cả nước. Vùng ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển; là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới; là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thuỷ hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước; đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu...

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sáng 22/4) của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức, ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, nông nghiệp là lĩnh vực rộng, là nguồn kinh tế trọng điểm của vùng, trong thời gian tới, cần giải quyết thỏa đáng những vấn đề nội tại để phát triển toàn diện và nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp với mức giá cạnh tranh, chi phí đầu vào tối ưu, tạo những giá trị gia tăng cao… Phải có "cuộc cách mạng" tổ chức lại sản xuất, có sự vào cuộc của lãnh đạo tất cả các địa phương…

Thế mạnh đồng bằng, vựa lúa số một cả nước - Ảnh 6.

Nông nghiệp ĐBSCL đóng góp 34,6% GDP ngành Nông nghiệp cả nước và 33,5% GDP của vùng. Những thành tựu về Nông nghiệp vùng ĐBSCL đã góp phần đưa nước ta từ một quốc gia thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo và tiếp tục tăng nhanh trong những năm qua. Sản lượng lúa của vùng đã tăng từ 19 triệu tấn năm 1989 lên hơn 43 triệu tấn; sản lượng gạo xuất khẩu tăng từ 1,3 triệu tấn lên 6,5-7 triệu tấn/năm, đạt giá trị xuất khẩu từ 0,4 tỷ USD lên 3,2-3,5 tỷ USD/năm… Sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 20% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới.

Nghị quyết lần này đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể: mục tiêu đến năm 2030, vùng ĐBSCL là vùng sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hoá sông nước; là trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp…

Văn Dương
Ý kiến của bạn