Đề án giao thông thông minh góp phần cải thiện hệ thống giao thông của Hà Nội

Đầu tư và Tiếp thị
09:07 AM 03/10/2024

Chuyển đổi số trong quản lý giao thông đô thị tại Hà Nội đang được đẩy mạnh nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng một thành phố thông minh để mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp.

Tại Hội thảo "Hà Nội - Thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở", trong khuôn khổ Ngày thẻ Việt Nam 2024, nhằm tăng cường công tác chuyển đổi số, bà Trần Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP. Hà Nội, cho biết đơn vị đã trình Đề án giao thông thông minh với 3 giai đoạn, bao gồm kế hoạch thành lập Trung tâm điều hành giao thông thông minh vào năm 2025. Đề án này đề xuất 9 chức năng chính và đầu tư vào các thiết bị thông minh để cải thiện hệ thống giao thông của thành phố.

Ảnh minh họa. Nguồn: LSVN

Ảnh minh họa. Nguồn: LSVN

Trung tâm tâm điều hành giao thông thông minh sẽ hoạt động trên cơ sở học hỏi kĩ thuật hiện đại của các nước tiên tiến, đảm bảo phù hợp với Luật Giao thông đường bộ để đưa ra lộ trình điều tiết giao thông phù hợp, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc.

Hiện tại, theo danh mục dữ liệu mở năm 2025 về giao thông, TP. Hà Nội sẽ tích hợp dữ liệu về các tuyến đường nội đô, các điểm đỗ xe, cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch lái xe, hệ thống đèn đường, biển báo, danh sách các tuyến đường cấm trên địa bàn thành phố.

Riêng trong năm nay, thành phố đã chỉ đạo tích hợp dữ liệu giao thông lên ứng dụng iHaNoi (công dân Thủ đô số), và được người dân cài đặt rất nhiều. Qua đó, người dân có thể tiếp cận nhiều hơn với cơ sở dữ liệu giao thông của thành phố.

Trao đổi về xu hướng phát triển đô thị thông minh trên thế giới và những việc Hà Nội cần làm để trở thành đô thị thông minh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - TS Nguyễn Quân cho biết: Công cuộc chuyển đổi số đối với các đô thị, xây dựng thành phố thông minh là một quá trình phức tạp, nếu thành công sẽ đem lại sức sống mới cho đô thị. Hà Nội hiện nay là thành phố lớn, là một “mega city” với hơn 10 triệu dân, tốc độ phát triển rất nhanh, đặt ra các vấn đề điều hành, quản lý theo xu hướng thông minh. 

Dù Hà Nội đã có nhiều thành công, thành tựu trong xây dựng thành phố thông minh, nhưng đó mới là kết quả bước đầu và còn chậm so với thế giới. Các dự án thông minh về giáo dục, y tế, dịch vụ công, giao dịch trực tuyến còn nhiều vấn đề, chưa đồng bộ với quy hoạch của thành phố. Đó là thách thức, nhưng Hà Nội sẽ quyết liệt thực hiện để xây dựng thành phố thông minh.

Thực tế hiện nay, không chỉ dừng lại ở các dịch vụ hành chính cơ bản, thanh toán thông minh còn được tích hợp vào nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống, từ việc thanh toán viện phí, học phí, đến các dịch vụ y tế và công cộng.

Đến tháng 9/2024, Hà Nội đã triển khai thành công 102 điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại các bãi đỗ xe thông minh ở các quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Ba Đình...; không chỉ giúp người dân thanh toán phí dịch vụ dễ dàng thông qua thẻ ngân hàng, mã QR hoặc ví điện tử mà còn giúp thành phố theo dõi và quản lý nguồn thu từ các bãi đỗ xe một cách minh bạch và hiệu quả. Từ khi triển khai, hệ thống đã ghi nhận hơn 550.000 lượt giao dịch với tổng số tiền thu về hơn 57 tỷ đồng.

Trước đó, Sở GTVT TP. Hà Nội đề xuất thành phố cho phép cơ quan này triển khai hệ thống giao thông thông minh trên địa bàn theo phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin, chi phí với hơn 392 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP. Hà Nội thực hiện giai đoạn 1 (từ năm 2025 - 2027).

Sở GTVT TP. Hà Nội khẳng định, việc tổ chức nghiên cứu triển khai thực hiện giai đoạn 1 đề án ''Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội'' là rất cần thiết nhằm khắc phục kịp thời các tồn tại hạn chế hiện nay, dần dần hình thành hệ thống giao thông thông minh của thành phố, thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Đây cũng là công cụ quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý, điều hành giao thông, trong đó có: Quản lý khai thác hạ tầng giao thông một cách hiệu quả giúp giảm ùn tắc, tiết kiệm chi phí đi lại, tạo điều kiện tối đa cho việc vận chuyển hành khách và hàng hóa, cung cấp thông tin giao thông chính xác, khai thác tối ưu hạ tầng giao thông hiện tại.

Cùng đó, nâng cao năng lực quản lý khi thông tin được chia sẻ chính xác và nhanh chóng giữa các ban ngành, tăng khả năng phối hợp liên ngành trong xử lý các vấn đề, cung cấp thông tin cho việc xây dựng chính sách, xử lý khẩn cấp các sự cố giao thông.

Minh An
Ý kiến của bạn
Vận hành thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội Vận hành thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội

Sáng ngày 9/11/2024, tại Ga S8 - Ga Cầu Giấy, UBND Thành phố Hà Nội đã long trọng tổ chức Lễ vận hành thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, cam kết phát triển hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô vì mục tiêu Net Zero năm 2050.