Để bệnh nhân tâm thần không bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống dịch COVID-19
Hôm nay (29/9) Bệnh viện Tâm thần Trung ương II (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) đã tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho gần 700 bệnh nhân tâm thần đang điều trị tại đây. Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 là đơn vị đầu tiên trên cả nước thực hiện tiêm phòng COVID-19 cho bệnh nhân tâm thần. Liên quan đến công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân tâm thần nhiễm COVID-19 cùng như việc triển khai tiêm vaccine với đối tượng đặc thù này, xin giới thiệu cuộc trao đổi với TS.BS Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (thành viên Tổ công tác đặc biệt phòng chống COVID-19 thuộc Bộ Y tế tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 và Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa).
Xin ông cho biết tổng quan về tình hình chung cũng như công tác điều trị bệnh nhân tâm thần nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 ở thời điểm hiện tại?
TS.BS Nguyễn Thanh Hà: Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 là bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, đóng trên địa bàn TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, có nhiệm vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc và nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần cho các tỉnh khu vực phía nam.
Ngày 26/8, Bệnh viện này bắt đầu phát hiện ổ dịch ở Khoa B1. Qua tầm soát phát hiện 7 bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại một khoa, sau đó có thêm các ca mới ở 5 khoa lâm sàng.
Tính đến 29/9, tổng số ca F0 ghi nhận tại Bệnh viện là: 327 (trong đó có 8 nhân viên y tế đã khỏi bệnh), số ca F1 là 313 ca. Hiện tại, ổ dịch đã cơ bản được kiểm soát, khống chế, các ca F0 mới được phát hiện đều nằm trong vùng đã cách ly.
Số bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19 hiện đang điều trị tại Bệnh viện: 317 bệnh nhân. Số ca có tình trạng nặng và chuyển tuyến trên (tầng 3) là 6 ca (1,5%). Số ca tử vong: 2 (0,06%), hơn 10 ngày nay không ghi nhân ca tử vong. Số ca 2 lần xét nghiệm RT-PCR có kết quả âm tính và CT> 30 là 59 (18%). Những người này đủ tiêu chuẩn chữa khỏi COVID-19, đang quản lý điều trị ở vùng đệm, tiếp tục được theo dõi sức khỏe.
Những khó khăn trong công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19 là gì thưa ông?
TS.BS Nguyễn Thanh Hà: Do người bệnh là các bệnh nhân tâm thần nên việc tổ chức phòng chống dịch và điều trị gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên phải nói đến đó là bệnh nhân giảm năng lực hành vi, khó tuân thủ biện pháp phòng chống dịch thông thường như 5K, vệ sinh cá nhân, chấp hành y lệnh của thầy thuốc…
Việc giám sát, truy vết, thu thập thông tin về lịch sử tiếp xúc, xác định yếu tố nguy cơ lây nhiễm khó khăn. Buồng bệnh thường đông bệnh nhân. Hàng ngày người bệnh giao tiếp với nhau trong một sân chơi chung nên khi có một ca dương tính thì phải theo dõi, cách ly toàn bộ khoa/phòng. Số lượng cách ly tuỳ từng khoa, có khoa gần 200 bệnh nhân.
Nhiều bệnh nhân có bệnh nền mãn tính như: Cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid, tai biến mạch não, … số bệnh nhân nguy cơ cao và rất cao gần 50 bệnh nhân.
Tình trạng dinh dưỡng kém, chế độ ăn thấp kéo dài (27.000 đồng/người/ngày, đến ngày 1/7/2021 mới được tăng lên 48.000 đồng/ngày), dẫn đến nhiều bệnh nhân suy dinh dưỡng, thiếu máu, miễn dịch kém. Hơn 100 bệnh nhân hiện không có người thân, không nơi nương tựa và bị bỏ rơi nhiều năm nay.
Tiếp theo là về cơ sở vật chất xuống cấp, không đủ các buồng phòng để thực hiện giãn cách. Do thiết kế phòng cho bệnh nhân tâm thần nên việc đảm bảo thông khí cũng hạn chế. Cơ sở hạ tầng, đường nội bộ, hệ thống thoát nước, xử lý chất thải, một số toà nhà xây dựng từ lâu xuống cấp nghiêm trọng dẫn đến việc kiểm soát vệ sinh môi trường rất khó khăn.
Bệnh viện Tâm thần Trung ương II cũng như Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa là cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa tâm thần nên chưa có nhiều kinh nghiệm về điều trị COVID-19 như: Hồi sức cấp cứu, điều trị các bệnh nền kết hợp; kiến thức, kỹ năng về quản lý, đánh giá nguy cơ, phân tầng, chuyển tuyến cũng như giám sát trong phòng chống dịch.
Số lượng cán bộ chuyên môn thiếu, không đủ chia 3 ca 4 kíp. Bên cạnh đó nhân viên y tế chỉ quen công việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân tâm thần thường quy. Nay có dịch bệnh, khối lượng công việc nặng và căng thẳng tăng lên nhiều lần.
Hiện nay, Bệnh viện chưa có máy xét nghiệm PCR, chưa đủ năng lực, cơ sở vật chất, điều kiện thực hiện được xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR nên việc giám sát COVID-19 cũng khó khăn hơn.
Một vấn đề khó khăn nữa là bệnh nhân tâm thần chưa là đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19.
Bộ Y tế, BV Tâm thần Trung ương 2 đã lên phương án điều trị cho bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19 như thế nào và nếu số lượng ca nhiễm tăng cao thì xử lý ra sao thưa ông?
TS.BS Nguyễn Thanh Hà: Ngay khi nhân được thông tin về tình hình dịch tại Bệnh viện tâm thần Trung ương II và Viện Pháp Y tâm thần Trung ương Biên Hòa, Bộ Y tế đã cử cán bộ xuống nắm bắt tình hình và thành lập Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch COVID-19. Bộ cũng quyết định bổ sung ngân sách, hỗ trợ, cung cấp trang thiết bị vật tư. Bên cạnh đó, ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19. Thường xuyên tổ chức họp trực tuyến với đơn vị để nghe báo cáo, nắm tình hình, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống dịch tại đơn vị.
Trung tâm thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 quy mô 400 giường bệnh đã được thành lập để sẵn sàng thu dung và điều trị khi số mắc tăng cao.
Bộ Y tế cũng đã cử đoàn công tác phối hợp Sở Y tế tỉnh Đồng Nai trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại đơn vị nhằm nhanh chóng khống chế và kiểm soát dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ tử vong.
Sau khi kiểm tra, đánh giá, phân tích, nhận định tình hình dịch tễ, năng lực thu dung điều trị của 2 đơn vị, Tổ công tác của Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch về bảo đảm công tác khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương II. Đồng thời cử 2 thành viên của Tổ công tác tiếp tục ở lại 2 đơn vị để hỗ trợ (từ 13/9 đến nay); cử 4 cán bộ chuyên môn Bệnh viện Chợ Rẫy (2 Bác sĩ và 2 Điều dưỡng) hỗ trợ chuyên môn cho Bệnh viện; chỉ đạo Viện Pasteur TP. HCM cử cán bộ hỗ trợ công tác giám sát dịch tễ, vệ sinh, khử khuẩn môi trường; công tác xét nghiệm, tiêm vaccine; chỉ đạo Bệnh viện Phổi Trung ương cử cán bộ của Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị COVID-19 của BV Phổi Trung ương tại Đồng Nai tới hỗ trợ; chỉ đạo Sở Y tế tỉnh cử cán bộ của BV Thống Nhất Đồng Nai hỗ trợ hội chẩn chuyên môn, chuyển tầng điều trị; cán bộ CDC Đồng Nai hỗ trợ xét nghiệm SARS-CoV-2, tiêm vaccine cho đơn vị.
Về phía Bệnh viện Tâm thần Trung ương II đã thiết lập cơ sở thu dung điều trị có 400 giường bệnh với 20 giường Hồi sức cấp cứu. Tiếp nhận một số kinh phí phòng chống dịch, trang thiết bị, vật tư y tế, trang phục phòng hộ cá nhân, thuốc, hoá chất từ Bộ Y tế, Sở Y tế Đồng Nai và một số đơn vị hỗ trợ… Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, lắp đặt camera, bộ đàm, kết nối Telehealth để tập huấn, hội chẩn, xin ý kiến trong công tác chỉ đạo PCD và chăm sóc, điều trị.
Tình hình tiêm vaccine cho bệnh nhân tâm thần đang diễn biến như thế nào thưa ông? Những vướng mắc ở đây là gì ạ?
TS.BS Nguyễn Thanh Hà: Ngày 29/9, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 đã tổ chức tiêm vaccine COVID-19 mũi 1 cho gần 700 bệnh nhân tâm thần đang điều trị nội trú. Tuy nhiên, tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19 đối với bệnh nhân tâm thần vẫn còn gặp một số vướng mắc.
Thứ nhất, họ không đảm bảo năng lực hành vi để ký cam kết đồng ý tiêm. Tiếp đến là khó tìm người đại diện hợp pháp/người giám hộ theo quy định của pháp luật. Bệnh nhân thường không có địa chỉ, không có CCCD/ chứng minh thư, không có thông tin đầy đủ để cập nhật danh sách theo quy định trong dữ liệu phần mềm cổng thông tin điện tử quốc gia.
Hiện nay, số bệnh nhân tâm thần chưa được tiêm còn 22 trường hợp do gia đình không đồng ý (số bệnh nhân đã được gia đình đồng ý là 720 bệnh nhân) và 74 bệnh nhân vô gia cư, không có người đại diện hợp pháp. Bệnh viện đang xin ý kiến UBND tỉnh Đồng Nai để phối hợp với Công an, Sở Y tế, Sở LĐTBXH, sau đó Bệnh viện thành lập Hội đồng chuyên môn cho ý kiến làm cơ sở pháp lý.
Bên cạnh đó, Bệnh viện đã phối hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai tiêm cho nhân viên y tế (tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 95,5% và mũi 2 là 87,7%); phối hợp với CDC tỉnh Đồng Nai tiêm vaccine mũi 1 cho 725 bệnh nhân tâm thần.
Cần có cơ chế gì dành cho bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19 và đội ngũ nhân viên y tế chăm sóc nhóm đối tượng đặc thù này?
TS.BS Nguyễn Thanh Hà: Đầu tiên, cần tăng kinh phí tiền ăn cho bệnh nhân tâm thần, vì hiện nay 48.000 đồng/người/ngày cũng rất thấp so với mặt bằng đời sống kinh tế.
Đề xuất cho phép mua thẻ BHYT cho bệnh nhân tâm thần. Định mức phân bổ cho từng mã bệnh tâm thần cần khám, chữa bệnh và nuôi dưỡng thấp, chưa tương ứng tỷ lệ tăng lương tối thiểu hàng năm.
Phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng để giảm tải cho Bệnh viện Tâm thần Trung ương II. Bổ sung nhân lực, vì hiện nay tỷ lệ bác sĩ, điều dưỡng/giường bệnh (1.200) thấp, nhân lực thiếu trầm trọng. Nguồn nhân lực còn thiếu cả về số lượng và chuyên khoa, chuyên ngành như: Bác sỹ chẩn đoán hình ảnh (X quang và CT), bác sĩ nội khoa, chuyên khoa; kỹ thuật viên xét nghiệm, trang thiết bị y tế, điều dưỡng..., nhất là bác sỹ, hiện tại thiếu khoảng 50 người. Tỷ lệ nhân viên/bệnh nhân thấp (0,7).
Ưu tiên cho nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân tâm thần được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề mức 100% (hiện nay chỉ được 70%) và chế độ phụ cấp thâm niên người thầy thuốc tâm thần.
Đồng thời để đảm bảo đảm việc phục vụ, chăm sóc và điều trị người bệnh thì Bệnh viện cần được đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và các hạng mục công trình. Nhiều hạng mục, trình xây dựng đã hơn 15 năm sử dụng xuống cấp trầm trọng. Hệ thống công nghệ thông tin không đồng bộ, lạc hậu; thiếu trang thiết bị trong chẩn đoán các bệnh lý thần kinh và tâm thần; hệ thống xử lý nước thải hiện tại không đáp ứng được nhu cầu xử lý...
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi trên!
Điều chỉnh thuế xuất, nhập khẩu một số mặt hàng; 3 hình thức công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành trái phiếu từ 25/12/2024; Quy định mới về hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại,… là một số chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 12/2024.