Để Chương trình OCOP thực sự là "cuộc cách mạng"
Chương trình OCOP là động lực quan trọng nhằm thúc đẩy, khai thác có hiệu quả với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của từng vùng, miền trên địa bàn tỉnh.
Chương trình OCOP đã tạo sức lan tỏa rộng rãi từ huyện đến cơ sở. Sản phẩm tham gia không ngừng được hoàn thiện, nâng cấp và có nhiều chuyển biến rõ tích cực về quy mô, chất lượng, quy trình sản xuất, chế biến cũng như mẫu mã bao bì, hệ thống nhận diện thương hiệu. Đặc biệt, tất cả các sản phẩm được chứng nhận OCOP đều đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm trở lên, nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến như: VietGAP, ISO, HACCP... để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.
Đến nay, huyện Hoằng Hóa có 12 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 1 sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia xếp hạng sản phẩm OCOP 5 sao; 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 9 sản phẩm đạt OCOP 3 sao và là một trong các địa phương có số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhất cả tỉnh. Không riêng gì huyện Hoằng Hóa Chương trình OCOP còn lan tỏa sâu rộng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh như: Quảng Xương, Triệu Sơn, Thọ Xuân… và cũng đã gặt hái được những thành quả nhất định.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị anh Trần Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới chia sẻ: "Giá trị cốt lõi mà nông nghiệp hữu cơ hay Chương trình OCOP hướng đến là tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng và xã hội, nâng cao giá trị kinh tế trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp".
Sau rất nhiều cố gắng, nỗ lực, khắc phục những khó khăn ban đầu cùng với sự quan tâm, động viên, đồng hành, hỗ trợ của các cấp, các ngành, anh Tân đã từng bước đạt được thành công. Với diện tích 1,5 ha nhà màng, nhà kính tại Khu nông nghiệp công nghệ cao Queen Farm tại thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, giá trị đầu tư khoảng 25 tỷ đồng, anh Tân mạnh dạn trồng dưa lưới taki theo quy trình nghiêm ngặt, ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, tự động hóa hoàn toàn và cung cấp dinh dưỡng theo nhu cầu sinh trưởng, phát triển của cây trồng.
Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, anh từng bước mở rộng quy mô, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, quy cách sản phẩm, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá sản phẩm, tích cực tham gia xúc tiến thương mại... Đến nay, dưa lưới taky và dưa chuột baby do Queen Farm sản xuất là 2 sản phẩm được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 4 sao.
Ngoài khu trồng dưa, anh Tân xây dựng thêm khu nhà kính trồng rau thủy canh. Những cây cải ngọt, xà lách, rau muống và một số loại rau cao cấp như: rau chân vịt, cải xoăn Kale, rau Mizuna Nhật Bản... hứa hẹn cung cấp cho thị trường sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Các sản phẩm của Queen Farm đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc, mã QR Code.
Sản phẩm của công ty được bày bán tại cửa hàng, hệ thống các siêu thị, nhà hàng, các trường học trong, ngoài tỉnh và được đông đảo khách hàng ưa chuộng. Anh Tân cho biết: "Được công nhận sản phẩm OCOP là bước ngoặt quan trọng, động lực để anh tiếp tục mạnh dạn đầu tư, sáng tạo, phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với Chương trình OCOP". Trong thời gian tới, ngoài việc nỗ lực "nâng sao" cho các sản phẩm OCOP đã được công nhận, anh Tân dành nhiều tâm huyết, nguồn lực triển khai thực hiện Dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể rau má xứ Thanh cho các sản phẩm từ rau má bản địa gắn với Chương trình OCOP.
Theo đó, anh Tân sẽ liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nhằm xây dựng vùng nguyên liệu rau má phục vụ nhà máy chế biến các sản phẩm từ rau má như: bột rau má mịn, nước uống rau má đóng chai, thạch rau má, trà túi lọc rau má... của công ty. Anh Tân đặt ra mục tiêu trong tương lai sẽ có từ 3 – 5 sản phẩm làm từ rau má đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 – 5 sao cấp tỉnh.
Tuy nhiên, chất lượng và hiệu quả kinh tế của sản phẩm OCOP không chỉ được biểu đạt đơn giản như là thành quả kết tinh lại từ quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản, nỗ lực hoàn thiện quy cách sản phẩm (đóng gói, bao bì, tem, nhãn mác) đảm bảo đúng tiêu chuẩn, quy trình, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, đáp ứng những yêu cầu khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhu cầu, thị hiếu của thị trường...
Điều làm nên sự khác biệt rõ rệt nhất, nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP so với những sản phẩm khác là ở chỗ: Mỗi sản phẩm là câu chuyện hấp dẫn, thú vị về sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp ủy đảng, chính quyền và các chủ thể trong việc khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Hơn hết, phía sau chất lượng và lợi nhuận kinh tế, các sản phẩm OCOP hàm chứa giá trị văn hóa, giá trị nhân văn thấm đẫm, trách nhiệm với môi trường là những đổi mới, sáng tạo trong tư duy, phương thức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Để Chương trình OCOP thực sự là cuộc cách mạng, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của lãnh đạo các địa phương, các chủ thể và Nhân dân thì cần triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp về: cơ chế chính sách, nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống tư vấn, đối tác hỗ trợ thực hiện, huy động hiệu quả nguồn lực, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm OCOP, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại... Trong đó, sự đồng thuận, quyết tâm, vào cuộc tích cực, thực chất, sâu sát của lãnh đạo cấp cơ sở, chủ thể và Nhân dân là động lực, điểm tựa vững chắc cho Chương trình OCOP phát triển, đi vào chiều sâu, tạo nên giá trị bền vững.
So với nhiều địa phương khác, Thanh Hóa là một trong những tỉnh tham gia Chương trình OCOP tương đối sớm. Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng những bước đi ban đầu không tránh khỏi khó khăn, thử thách.
Bởi lẽ, đây là một chương trình hoàn toàn mới, mới ngay với cả các cấp quản lý, điều hành cho đến người dân. Nhận thức về Chương trình OCOP cũng như về phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn chưa đầy đủ. Các sản phẩm tuy đa dạng, phong phú nhưng phần lớn đang ở dạng tiềm năng, nhỏ lẻ, manh mún. Lao động nông thôn hạn chế về tư duy thương mại, hàng hóa, chủ yếu sản xuất theo hướng tự cung tự cấp, ứng dụng khoa học - công nghệ rất thấp... Công tác chỉ đạo, điều hành của một số địa phương còn chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ, thường xuyên, sâu sát. Trên địa bàn toàn tỉnh, hiện còn 6 huyện chưa có sản phẩm OCOP là Mường Lát, Quan Sơn, Lang Chánh, Cẩm Thủy, thị xã Bỉm Sơn, TP Sầm Sơn; chưa có nhiều sản phẩm OCOP lên kệ siêu thị, xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Sự tham gia của một số chủ thể còn hạn chế do tâm lý e ngại, chưa hiểu biết sâu sắc về mục tiêu, ý nghĩa chương trình...
Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh nhận định: "Việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ lớn của tỉnh, đất nước. Trong đó, việc tiếp tục đẩy mạnh Chương trình OCOP có vai trò quan trọng, hạt nhân tạo ra sản phẩm có giá trị thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn mạnh mẽ hơn, phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương, đời sống người dân được cải thiện, nâng cao thu nhập, đổi mới tư duy, phương thức sản xuất".
Có thể nói, sau 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) tỉnh Thanh Hóa đã gặt hái được những thành quả nhất định. Thành quả ấy đã góp phần xây dựng, phát triển thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm nông sản có lợi thế, nâng cao thu nhập của người dân, từ đó thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới tư duy sản xuất, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Yến HoàngCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.