Để đô thị mãi trật tự văn minh

Xã hội
07:30 AM 23/07/2020

Với tiền đề là những chuyển biến căn cơ trong bảo đảm trật tự đô thị trong thời điểm thực hiện cách ly xã hội phòng, chống dịch Covid-19, chính quyền các địa phương tại Hà Nội đang nỗ lực phát huy, giữ vững những kết quả đã đạt được. Trong đó tập trung duy trì các thói quen, hành vi văn minh đô thị tạo thành nền nếp.

    Lực lượng chức năng phường Cống Vị (quận Ba Đình) ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị tại phố Liễu Giai. Ảnh: Thủy Tiên

    Chuyển biến căn cơ

    Khu vực trước cổng Bệnh viện Bạch Mai trên đường Giải Phóng (thuộc địa bàn phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng) luôn là “điểm nóng” lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh. Trung tá Nguyễn Chí Viễn, Trưởng Công an phường Đồng Tâm cho biết, trật tự đô thị, trật tự công cộng tại khu vực này đã chuyển biến rõ rệt trong giai đoạn thực hiện cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Duy trì kết quả này, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, đơn vị đã tiến hành dán thông báo cấm đỗ xe; thành lập đội “xe ôm” với gần 100 thành viên có phù hiệu, được sắp xếp chỗ quy định để đưa đón khách...

    “Dù đã nhiều lần đến Bệnh viện Bạch Mai khám bệnh, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy trước cổng bệnh viện lại thông thoáng, trật tự như thế”, anh Lê Minh Hoàng (quê tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ.

    Tại địa bàn quận Đống Đa, nhiều cách làm hay đã được áp dụng vào công tác giữ gìn trật tự đô thị. Nổi bật là qua 6 tháng năm 2020, lực lượng chức năng quận đã giải tỏa triệt để 30 “chợ cóc”. Để chống tái lấn chiếm tại các điểm “chợ cóc” dưới chân trụ tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, theo Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa Hà Anh Tuấn, đơn vị đã phối hợp với các phường tổ chức trồng cây xanh ở những khu đất trống. “Ngoài ra, việc làm tốt quy định các cửa hàng không thiết yếu chỉ được mở cửa từ 9h sáng hằng ngày đã phát huy hiệu quả trong giữ gìn trật tự đô thị”, ông Hà Anh Tuấn nói.

    Ở khu vực ngoại thành, đặc biệt là địa bàn các xã, thị trấn có mật độ đô thị cao cũng được chú ý công tác quản lý trật tự đô thị. Quản lý địa bàn có hàng trăm hộ kinh doanh, Đại úy Nguyễn Ngọc Linh, Phó Trưởng Công an xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) cho biết, sau khi cơ bản giải quyết được các vi phạm trật tự đô thị trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Công an xã tiếp tục duy trì, tổ chức giám sát vi phạm qua hệ thống camera được lắp đặt ở các nút, tuyến giao thông trọng điểm. Từ đó, hiệu quả quản lý được nâng cao, các hộ kinh doanh cũng ý thức hơn trong việc giữ gìn trật tự văn minh đô thị.

    Bên cạnh đó, nhiều mô hình góp phần giải quyết hiệu quả vi phạm về trật tự đô thị đang được nhiều địa phương duy trì, nhân rộng như: “Cựu chiến binh gương mẫu” tham gia bảo đảm trật tự đô thị tại quận Long Biên; lắp camera an ninh các tuyến đường, ngõ phố tại Thanh Xuân, Hoàng Mai; sử dụng mạng xã hội thông tin, giải quyết trật tự đô thị tại quận Cầu Giấy, Hà Đông, Ba Đình... Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp các địa phương xử lý vụ việc trên địa bàn nhanh chóng, kịp thời hơn, huy động sự tham gia giám sát của nhiều lực lượng.

    Công an xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) nhắc nhở các hộ kinh doanh về trật tự văn minh đô thị.

    Để trở thành nếp bền vững

    Mặc dù nhiều địa bàn đã tạo lập được chuyển biến căn cơ trong công tác bảo đảm trật tự đô thị, tuy nhiên để tạo thành nền nếp là vấn đề còn nan giải. Thượng tá Nguyễn Quốc Dũng, Phó Trưởng Công an quận Thanh Xuân nhận định, ở một số địa bàn, tại những thời điểm nhất định, tình trạng tái lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện không đúng quy định; bán hàng rong, họp “chợ tạm”, “chợ cóc” lấn chiếm hành lang an toàn giao thông và mất mỹ quan đô thị vẫn tồn tại.

    Để giải “bài toán” trên, Thiếu tá Nguyễn Thành Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội (Công an thành phố Hà Nội) cho rằng, phương pháp tuyên truyền, xử phạt đang làm lâu nay mất nhiều công sức, nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Thiếu tá Nguyễn Thành Lâm nêu quan điểm, cần thiết có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan, nhất là địa bàn giáp ranh để thống nhất việc sắp xếp giao thông, bố trí nơi đỗ xe, bán hàng, bảo đảm an ninh trật tự.

    Đưa công tác bảo đảm trật tự đô thị trở thành một nội dung trong mục tiêu tổng quát của Đảng bộ trong nhiệm kỳ 2020-2025, Bí thư Đảng ủy phường Láng Hạ (quận Đống Đa) Nguyễn Hoài Nam cho biết, để công tác giữ gìn trật tự văn minh đô thị trở thành nền nếp, Đảng ủy phường đã gắn trách nhiệm đối với từng chi bộ và cán bộ, đảng viên. “Trong đó, trọng tâm là gắn công tác nhận xét, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên với việc chấp hành, phát hiện, xử lý các vi phạm về trật tự đô thị trên địa bàn quản lý, khu dân cư nơi sinh sống”, ông Nguyễn Hoài Nam nói.

    Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu khẳng định, việc lập lại trật tự đô thị phải tạo sự đồng thuận, để người dân hiểu rõ đây không phải nhiệm vụ của riêng cơ quan quản lý nhà nước mà là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Từ đó, công tác quản lý trật tự đô thị mới thật sự bền vững.

    Mai Hữu - Triệu Dương
    Ý kiến của bạn
    Hà Nội: Tổ chức đợt cao điểm An toàn, vệ sinh lao động, chăm lo cho công nhân, lao động năm 2024 Hà Nội: Tổ chức đợt cao điểm An toàn, vệ sinh lao động, chăm lo cho công nhân, lao động năm 2024

    Sáng 19/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024.