Để doanh nghiệp logistics Việt tiến lên cấp độ cao hơn
Hiện tại Việt Nam, các doanh nghiệp logistics chủ yếu mới đạt cấp độ 2 (2PL). Như vậy, các DN logistics hiện nay đa phần mới chỉ làm một số dịch vụ đơn lẻ, số DN làm các dịch vụ tích hợp dưới dạng các công ty cấp độ 3 và 4 (3PL, 4PL) còn rất hạn chế.
Theo Sở Công Thương TPHCM, hiện có tới hơn 90% DN logistics có quy mô nhỏ và vừa, do đó khó có khả năng đầu tư đổi mới mạnh mẽ. Vì vậy, năng lực cạnh tranh với các DN logistics nước ngoài bị hạn chế nhiều.
Bên cạnh đó, logistics là một chuỗi dịch vụ liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, vận chuyển và phân phối. Nếu chỉ dừng ở mức độ 2PL thì khó có thể liên kết tốt để chuyển sang cung cấp trọn gói chuỗi dịch vụ (3PL, 4PL). Vì vậy dễ bị chi phối bởi các DN 3PL, 4PL.
Bởi vậy, theo các chuyên gia tại Hội thảo “Phát triển thị trường dịch vụ logistics cho doanh nghiệp”, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics; tìm kiếm cơ hội mở rộng phát triển thị trường dịch vụ logistics tại Việt Nam; kết nối doanh nghiệp dịch vụ logistics với các đối tác là các tập đoàn, doanh nghiệp… về nhu cầu sử dụng sản phẩm dịch vụ logistics; chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng tại Việt Nam; tìm cơ hội để các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, cung cấp giải pháp thanh toán, giải pháp logistics, các mô hình mới với đặc thù tại Việt Nam...
Trước đó, trong Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND TPHCM đã đề ra mục tiêu phát triển nhà cung cấp các dịch vụ theo hướng đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ trọn gói, kết nối chuỗi cung ứng cho khách hàng, tăng cường mở rộng hệ thống đại lý ở nước ngoài để giao hàng “door to door”.
Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam, trong việc thiết lập được mạng lưới quốc tế và cung cấp dịch vụ tích hợp, nếu để các DN nhỏ tự hình thành thì phải tốn rất nhiều thời gian trong khi tiềm lực còn yếu nên không thể thực hiện. Do đó, chỉ có giải pháp liên doanh mới có thể phát triển được năng lực. Các DN cần hợp tác với nhau, vẽ lại chuỗi cung ứng cho từng ngành hàng riêng biệt, vì mỗi ngành hàng có một đặc điểm riêng không giống nhau.
Ví dụ như hàng nông – thủy sản thì cần chuỗi cung ứng lạnh, cần sự tư vấn để nâng cao khả năng quảng bá sản phẩm và nâng cao nhận thức của khách hàng và phân phối ngay lập tức. Chuỗi logistics phải tham gia ngay từ đầu của quá trình vun trồng, thu hoạch đến khi vận chuyển ra thị trường. Cần có một trung tâm chế biến sau thu hoạch và đủ lớn để tập kết hàng hóa đưa vào thị trường nhanh chóng. Đặc biệt, mặt hàng này cần được tiêu thụ nhanh và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người nên cần có những chính sách ưu đãi riêng như hạn chế cấm giờ, cấm tải.
Bên cạnh đó, theo khảo sát của Đề án phát triển logistics trên địa bàn TPHCM được thực hiện tại các DN chủ hàng, hiện tình hình sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài của các DN chưa cao, chủ yếu tập trung vào hoạt động vận tải nội địa, chở hàng hóa hai chiều từ cảng về kho chủ hàng và từ kho đến các điểm phân phối hàng hóa nội địa và dịch vụ khai thuê hải quan.
Trong khi đó, một số DN có hàng hóa giá trị cao như sữa, linh kiện điện tử, giày da, may mặc thì hoàn toàn không thuê ngoài dịch vụ kho hàng. Nguyên nhân là do tiềm lực và cơ sở vật chất của DN đã đáp ứng được yêu cầu lưu trữ hàng hóa. Bên cạnh đó, yêu cầu bảo quản đặc biệt của hàng hóa cũng là một rào cản khiến cho các DN logistics khó đáp ứng yêu cầu của chủ hàng.
Để gia tăng tỷ lệ thuê ngoài, các DN cho rằng, TPHCM cần có chính sách hỗ trợ việc tham gia sử dụng các dịch vụ logistics thuê ngoài cho các DN chủ hàng như ưu đãi về thuế, ưu tiên và đơn giản hóa thủ tục đối với hàng hóa đi qua các trung tâm logistics, hỗ trợ và tư vấn cho DN chủ hàng trong các vấn đề kiểm tra sau thông quan.
Hiện trình độ của doanh nghiệp logistics được phân theo 5 cấp độ: 1PL (First Party Logistics) là các DN sản xuất kinh doanh tự thực hiện dịch vụ logistics; 2PL (Second Party Logistics) là DN logistics cung cấp dịch vụ logistics cơ bản, riêng lẻ, không tích hợp; 3PL (Third Party Logistics) là DN tích hợp dịch vụ logistics qua các hợp đồng dài hạn; 4PL (Fourth Party Logistics) là tích hợp các dịch vụ và quản trị chuỗi cung ứng và 5PL (Fifth Party Logistics) là các DN số hóa quản trị chuỗi dịch vụ logistics.
Hiện cấp độ 2PL chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các công ty logistics của TPHCM, bao gồm các công ty giao nhận, vận tải, đại lý khai báo hải quan… Trong khi đó, ở cấp độ 4PL thị phần chủ yếu bị nắm giữ bởi các công ty nước ngoài với các dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng, thu mua nguyên vật liệu. Còn cấp độ 5PL, gần như chưa có công ty logistics của TPHCM đạt đến cấp độ này.
Đại hội Sales và Marketing toàn quốc VSMCamp và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing CSMOSummit năm 2024 đã khép lại sau hai ngày tổ chức với gần 50 bài tham luận và phiên tham luận lớn nhỏ. Sự kiện tiếp tục ghi dấu một mùa thành công khi đã thu hút gần 1000 lượt người tham dự, cùng hàng trăm tin tức được đăng tải trên các phương tiện truyền thông.