Để du lịch nông nghiệp ngoại thành Hà Nội phát triển: Cần thêm nhiều yếu tố tạo lực đẩy

Kinh doanh
12:35 PM 18/09/2022

Thời gian qua, nhiều đơn vị ở ngoại thành Hà Nội đã tận dụng lợi thế để phát triển du lịch nông thôn sinh thái và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, để du lịch nông nghiệp các đơn vị cần có thêm nhiều yếu tố tạo lực đẩy.

Dấu ấn từ các mô hình du lịch

Với lợi thế, tiềm năng sẵn có, nhiều đơn vị ở ngoại thành Hà Nội đã phát triển du lịch nông thôn sinh thái đa dạng: các sản phẩm khai thác yếu tố văn hóa, văn minh lúa nước của vùng đồng bằng Bắc Bộ; du lịch nông nghiệp kết hợp với tham quan di sản văn hóa làng nghề; khai thác mô hình trang trại đồng quê phục vụ hoạt động du lịch học đường, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần tại khu vực ngoại thành và các vùng phụ cận. Trong đó, nhiều mô hình đã  có được những kết quả đáng khích lệ.

Đó là các mô hình trang trại sinh thái nông nghiệp gắn với du lịch, giáo dục hấp dẫn du khách có thể kể đến như: Khu du lịch sinh thái Bản Rõm (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn), trang trại Đồng Quê (huyện Ba Vì), trang trại học đường Vạn An (huyện Thanh Trì)… Đây cũng là những địa chỉ quen thuộc với nhiều người, nhất là học sinh.

Để du lịch nông nghiệp ngoại thành Hà Nội phát triển: Cần thêm nhiều yếu tố tạo lực đẩy - Ảnh 1.

Khu du lịch sinh thái Bản Rõm (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn). Nguồn: Internet.

Tại đây, du khách không chỉ được hít thở không khí trong lành, mà còn được tự tay trồng rau, thu hoạch sản phẩm và thưởng thức các loại nông sản tươi ngon do nông dân nuôi trồng theo phương pháp hữu cơ ngay tại trang trại...

Ngoài ra, một số đơn vị ở các huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thạch Thất… cũng biết tân dụng nguồn tài nguyên như cảnh quan thiên nhiên, nhiều làng nông nghiệp lâu đời cũng như sản vật địa phương… để phát triển du lịch nông nghiệp, tạo nhiều dấu ấn với du khách.

Nằm trên địa bàn xã Phú Cường (Sóc Sơn), Công viên nông nghiệp Long Việt rộng 120.000m2 là địa chỉ quen thuộc của nhiều gia đình, trường học trên địa bàn Hà Nội. Tại đây, cùng với những ngôi nhà truyền thống và không gian được thiết kế gợi nhớ đến làng quê Bắc Bộ xưa, du khách được tham gia các trò chơi dân gian như úp nơm bắt cá, bịt mắt đập niêu, chèo thuyền thúng... trải nghiệm việc cuốc đất trồng rau, cấy lúa, thu hoạch cà chua...

Không chỉ vậy, nhiều trang trại, hợp tác xã (HTX) cũng kết hợp sản xuất nông nghiệp với hoạt động đón khách tham quan trải nghiệm...

Ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc HTX hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín) cho biết, hiện trên địa bàn xã đã có hơn 20 mô hình tham quan, trải nghiệm du lịch nông nghiệp. Du khách tới đây được tham quan mô hình trồng trọt, thu hái nông sản theo mùa, tham quan khu sản xuất, chế biến, đóng gói các loại trà thảo dược, khu ngâm ủ hơn 100 loại rượu quê với các loại thảo mộc…

"Mô hình du lịch nông nghiệp không chỉ đem lại sinh kế cho người nông dân, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan môi trường sinh thái và hỗ trợ ngược lại cho sự phát triển đa dạng, bền vững của điểm đến du lịch", ông Tứ nhấn mạnh.

Cần thêm nhiều yếu tố tạo lực đẩy để phát triển bền vững

Thực tế, dù du lịch nông nghiệp có nhiều lợi thế và được nhiều du khách quan tâm, song để bắt kịp các loại hình khác thì mô hình này dường như vẫn khá "đuối". Bởi các hoạt động du lịch nông nghiệp tại Hà Nội vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, trùng lặp. Hơn nữa, sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng xây dựng thương hiệu.

Theo một số chuyên gia, du lịch nông nghiệp ở Hà Nội hiện còn thiếu những sản phẩm đặc sắc, chưa kể sự trùng lặp, na ná nhau giữa các địa phương. Cùng với đó, tính liên kết giữa 3 bên: Nhà quản lý, người dân và doanh nghiệp lữ hành còn yếu nên chưa thể tạo lực đẩy cho loại hình du lịch này phát triển.

Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông thôn còn thiếu, chưa chuyên nghiệp. Số lượng, quy mô các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng hỗ trợ cho du lịch nông thôn còn chưa đồng bộ, chưa thuận tiện để khách du lịch tiếp cận du lịch nông thôn...

Có thể nói, tài nguyên du lịch nông nghiệp ở Hà Nội vô cùng phong phú. Tuy nhiên, để có thể tiến xa hơn, vẫn cần động lực từ sức mạnh tổng hòa của các yếu tố: Nguồn nhân lực, tính liên kết và sức hấp dẫn của sản phẩm...

Để du lịch nông nghiệp ngoại thành Hà Nội phát triển: Cần thêm nhiều yếu tố tạo lực đẩy - Ảnh 2.

Du khách tham quan HTX hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín). Nguồn: Internet.

Được biết, để thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 73/2022/KH-UBND về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025.

Cụ thể, Thành phố đề ra mục tiêu, mỗi huyện, thị xã có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố triển khai ít nhất từ 1 - 3 sản phẩm "Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch"; phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.

Bên cạnh đó, phấn đấu mỗi huyện, thị xã có tiềm năng xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể là nông dân, HTX, hộ kinh doanh và doanh nghiệp.

Không chỉ vậy, Thành phố đặt mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho tối thiểu 80% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ, làng nghề phục vụ du lịch, cán bộ quản lý du lịch tại địa phương và các chủ thể hoạt động kinh doanh du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Trong đó, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng thí điểm 6 mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề... theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các huyện: Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất và Sơn Tây.

Và để thực hiện mục tiêu, Hà Nội đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp như: Điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố; tổ chức lựa chọn, hỗ trợ và phát triển các điểm đến du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn.

Xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP "Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch"; xây dựng các mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù, có sự tham gia của các chủ thể nông dân, HTX, hộ kinh doanh và doanh nghiệp...

Nguồn kinh phí để thực hiện kế hoạch này sẽ được lấy từ kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngân sách thành phố theo phân cấp ngân sách hiện hành và nguồn xã hội hóa...

Nam Dương
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.