Để giảm ùn tắc giao thông trong 5 năm, Hà Nội đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng

Sự kiện
05:40 PM 10/12/2021

Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng để giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.

Sáng 10/12, tại Kỳ họp thứ 3, HĐND TP khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Theo đó, trong 91 đại biểu tham gia biểu quyết thì có 90 đại biểu tán thành, một đại biểu để phiếu trắng, đạt tỷ lệ 94,74%.

Để giảm ùn tắc giao thông trong 5 năm, Hà Nội đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng - Ảnh 1.

Hà Nội đầu tư 1.800 tỉ đồng để giảm thiểu ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông. Ảnh: Hải Nguyễn

Tổng kinh phí để thực hiện Chương trình mục tiêu giai đoạn 2021-2025 là 1.865.207 triệu đồng và được phân bổ theo từng năm từ ngân sách TP.

Trong đó, năm 2021: kinh phí là 335.507 triệu đồng (đã được UBND TP bố trí để thực hiện trong năm 2021). Năm 2022: kinh phí là 343.300 triệu đồng. Năm 2023: kinh phí là 401.800 triệu đồng. Năm 2024: kinh phí là 425.800 triệu đồng. Năm 2025: kinh phí là 358.800 triệu đồng. Chương trình thực hiện trong 5 năm, từ năm 2021 đến năm 2025.

Mục tiêu tổng quát của Chương trình này nhằm huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong tổ chức, quản lý điều hành giao thông, xây dựng giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đồng bộ, thông minh, hiện đại, thuận lợi, trật tự, an toàn, chất lượng, hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn TP, nhất là trong khu vực đô thị trung tâm (từ vành đai 4 trở vào); các khu đô thị; các trục đường hướng tâm; các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh; các khu vực đầu mối giao thông (các nhà ga, bến xe).

Chương trình xác định hàng năm xử lý từ 7 điểm đến 10 điểm thường xuyên ùn, tắc giao thông, hạn chế phát sinh mới các điểm ùn tắc giao thông, không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; xóa bỏ kịp thời các điểm đen về tai nạn giao thông, qua đó góp phần giảm tai nạn giao thông từ 5%-10%/năm trên cả ba tiêu chí (về số vụ, số người chết và số người bị thương).

Để thực hiện chương trình này, Hà Nội đặt ra 10 nhiệm vụ giải pháp. Nhiệm vụ đáng chú ý là thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch xây dựng, huy động nguồn lực, bổ sung quỹ đất phục vụ giao thông. Trong đó, tập trung thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong khu vực nội thành theo đúng kế hoạch, lộ trình và ưu tiên bố trí quỹ đất cho mục đích giao thông và các mục đích công cộng khác; tăng tỷ lệ đất cho giao thông. Đây là nhiệm vụ và giải pháp cơ bản, bền vững để giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phát huy hiệu quả tối đa năng lực kết cấu hạ tầng giao thông hiện có. Mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với công tác đào tạo, sát hạch cấp, đổi giấy phép lái xe, công tác đăng ký, đăng kiểm xe cơ giới, nâng cao chất lượng phương tiện và người lái xe cơ giới, nâng cao chất lượng phương tiện và người lái xe cơ giới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải, xây dựng hệ thống giao thông thông minh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kiên quyết có hiệu quả các vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn
Đẩy mạnh chuyển đổi số cho các mô hình kinh doanh truyền thống Đẩy mạnh chuyển đổi số cho các mô hình kinh doanh truyền thống

Công cuộc số hóa chợ hay tiệm tạp hóa truyền thống không chỉ đơn thuần gói gọn trong việc quét mã QR để thanh toán. Đây là một "cuộc chơi lớn" với 1,4 triệu tạp hoá đang chờ “lên đời công nghệ".