Để mỗi người dân nơi biên cương là một 'cột mốc sống'

Địa phương
11:44 AM 14/03/2023

Những năm qua, lực lượng BĐBP tỉnh Lai Châu đã xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với trình độ và tập quán của người dân, vừa giúp khai thác tiềm năng thế mạnh đất đai vừa là cách để xây dựng dải biên cương thực sự trở thành những “lá chắn thép”, để mỗi người dân nơi biên cương là một "cột mốc sống".

Khu vực biên giới tỉnh Lai Châu gồm 211 bản/22 xã thuộc 4 huyện với dân số hơn 17.600 hộ, gồm 10 dân tộc sinh sống, trong đó có dân tộc ít người La Hủ thuộc diện đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ người dân tộc Dao chiếm hơn 31% dân số tỉnh Lai Châu, tiếp đến là dân tộc Mông chiếm 27,98%, dân tộc Hà Nhì chiếm 17,42%.

Để mỗi người dân nơi biên cương là một cột mốc sống - Ảnh 1.

Thiếu tá Ngô Văn Phương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pa Ủ chia sẻ: "Đến nay đơn vị đã thành công duy trì mô hình giúp bà con chăn nuôi bò tập trung, phát triển kinh tế".

Từ câu chuyện giúp dân phát triển kinh tế ở Pa Ủ

Trên khắp các bản làng người La Hủ và người Dao ở khu vực biên giới tỉnh Lai Châu hôm nay, lúa, ngô, cây ăn quả lên xanh ngút ngàn, đàn bò, đàn dê ngày càng nhiều hơn trên những quả núi đồi, những ngôi nhà mới khang trang vững chắc đã thay thế cho những ngôi nhà cũ nát trước đây… Giờ đây, có sự đồng hành của những người lính mang quân hàm xanh, cuộc sống của bà con La Hủ và người Dao đã dần bước sang trang mới với sắc màu của sự ấm no, đủ đầy.

Người La Hủ sinh sống chủ yếu ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, còn được gọi là dân tộc "lá vàng", vì trước kia, họ sống du canh, du cư trong rừng, lợp lán sống tạm, khi lá lợp lán ngả màu vàng thì họ lại chuyển đi nơi khác. Mọi chuyện bắt đầu đổi thay khi Đề án "BĐBP Lai Châu tham gia giúp đồng bào La Hủ định canh, định cư, xóa đói, giảm nghèo gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới" được triển khai.

Để mỗi người dân nơi biên cương là một cột mốc sống - Ảnh 2.

Thiếu úy Nguyễn Văn Phú, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng cùng cán bộ Đồn Biên phòng Pa Ủ đến thăm gia đình anh Pờ Lò Hừ, Trưởng bản, Bí thư Chi bộ bản Pha Bu, xã Pa Ủ để cùng chia sẻ và trao đổi cùng hướng dẫn các hộ dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nơi thôn bản.

Để được tìm hiểu hơn nữa về những việc làm ý nghĩa và thiết thực của BĐBP Lai Châu trong việc giúp bà con dân bản Pa Ủ phát triển kinh tế. Vượt qua quãng đường đèo dốc quanh co hiểm trở gần 200km từ thành phố Lai Châu đến xã Pa Ủ (huyện Mường Tè) những ngày đầu xuân 2023, chúng tôi ngỡ ngàng trước những đổi thay nhanh chóng của vùng đất miền biên viễn, từng được biết đến là vùng lõi nghèo và lạc hậu, có thời điểm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí cũ chiếm tới 95%.

Từng nương ngô, vạt lúa, đồi cây ăn quả xanh mướt báo hiệu một mùa thu hoạch bội thu. Những ngôi nhà mới khang trang đang dần thay thế những căn nhà cũ nát trước đây;... Xã Pa Ủ có 870 hộ, trên 3.700 nhân khẩu, trong đó người La Hủ chiếm hơn 98%. Ở Pa Ủ bây giờ đã có thêm những gia đình giàu có. Đây thực sự là điều mà mấy năm trước nhiều người dân Pa Ủ chưa bao giờ nghĩ tới.

Để có kết quả đó có công sức rất lớn của các chiến sĩ biên phòng Đồn Pa Ủ đã tích cực vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân xuống núi lập bản, hướng dẫn phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi... nên tỷ lệ đói nghèo hiện nay giảm xuống còn hơn 77% theo tiêu chí mới. Đáng kể nhất là Pa Ủ đã phát triển được gần 300ha cây trồng mới cho giá trị kinh tế cao như: Sâm, thảo quả, sa nhân, quế, cam, mận... 

Ông Đao Văn Thức - Bí thư Đảng ủy xã Pa Ủ vẫn nhớ như in những ngày đầu vận động bà con định canh định cư. Khi đó để đón 67 hộ gia đình về thì chính quyền rồi Đồn Biên phòng phải tập trung làm nhà cho bà con, có khi vác vật liệu cả ngày trời mới được 1 tấm tôn. Đồn Biên phòng gần như một nửa phải trực tiếp ngủ tại đấy để vận động bà con yên tâm định cư nơi ở mới. 

Đến nay bà con Pa Ủ đã ổn định đời sống và có nếp nhà để ở. Bên cạnh đó, Đảng ủy và UBND xã Pa Ủ cũng tập trung hướng dẫn người dân chuyển đổi từ việc trồng lúa kém hiệu quả sang vừa trồng rừng và trồng cây quế mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Để mỗi người dân nơi biên cương là một cột mốc sống - Ảnh 3.

Đồn Biên phòng Pa Ủ đã phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương tổ chức làm chuồng trại, trồng cỏ voi và chăn nuôi bò tập trung

Thiếu tá Ngô Văn Phương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pa Ủ cho biết: "Đơn vị đã thành công duy trì mô hình giúp bà con chăn nuôi bò tập trung. Ban đầu dự án bò của huyện về mô hình phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo, cấp cho các hộ 40 con cho 2 bản Tân Biên và bản Mu Chi.

Nhận thấy địa bàn chăm sóc, chăn thả cũng như nhận thức của bà con về khoa học kỹ thuật không đảm bảo và có khả năng thất thoát nhiều. Vì vậy được sự nhất trí của cấp trên, đơn vị đã phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương tổ chức làm chuồng trại, trồng cỏ voi và đưa bò về để chăn nuôi tập trung với mục đích hướng dẫn bà con cách thức chăn thả bò, trồng cỏ voi và cách phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc. Hiện nay, đơn vị đã bàn giao và chuyển 12 con cho 12 hộ dân có điều kiện chăn thả và chăm sóc tốt nhất. 

Với mô hình trồng lúa nước, đơn vị triển khai từ năm 2017, 2018 và trực tiếp cử cán bộ, chiến sĩ xuống vận động, cùng làm với bà con nhân dân. Cán bộ chiến sĩ trong đơn vị còn đóng góp gần 20 triệu đồng mua đường ống nước và phân bón, thuốc trừ sâu để đảm bảo cho mô hình triển khai đạt hiệu quả".

Có nhiều hộ ở Pa Ủ nhờ sự hỗ trợ giúp đỡ của các chiến sĩ biên phòng đã thay đối nhận thức, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống rất khá giả. Có thể kể đến gia đình anh Pờ Lò Hừ, Trưởng bản, Bí thư Chi bộ bản Pha Bu. 

Anh Pờ Lò Hừ cho biết: "Khi gia đình còn du canh du cư đời sống rất khó khăn. Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương và BĐBP giải phóng mặt bằng rồi thành lập bản Pha Bu bây giờ và hỗ trợ bà con nhân dân xây nhà, hướng dẫn bà con phát triển kinh tế, dần dần kinh tế của gia đình được ổn định, gia đình có của ăn của để.

Hiện tại, gia đình nuôi 70 con bò, 50 con trâu, rồi trồng tam thất, sâm theo mô hình nhà kính, thu nhập hàng năm từ 150 - 200 triệu đồng. Gia đình tôi mới mua xe ô tô tải trên 500 triệu để phục vụ cho gia đình, dân bản, đi chở hàng thuê… và tạo nhiều công ăn, việc làm cho nhân dân ở bản".

Để mỗi người dân nơi biên cương là một cột mốc sống - Ảnh 4.

Gia đình anh Pờ Lò Hừ, Trưởng bản, Bí thư Chi bộ bản Pha Bu, xã Pa Ủ vui mừng khoe với cán bộ Biên phòng về chiếc ô tô mà gia đình anh mới mua.

Đến những mô hình "lũy tre biên thùy" - hàng rào "mềm" nơi biên cương

Giờ đây những mầm xanh như ngọc đã nhú cao trên những khóm tre biên thùy thuộc bản Hồ Thầu, xã Huổi Luông huyện Phong Thổ, Lai Châu. Đây là mô hình trồng tre Bát Độ dọc theo đường biên giới, từ mốc giới số 57 đến mốc giới số 60, dài gần 3km.

Trung tá Lê Văn Quyết, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Huổi Luông cho biết: "Dọc tuyến biên giới do Đồn Biên phòng Huổi Luông quản lý địa hình hiểm trở, nhân dân sống thưa thớt, còn nhiều diện tích đất trống, đồi núi trọc, đồi cây tạp... Sau nhiều lần khảo sát và họp bàn kỹ lưỡng, Đồn Biên phòng Huổi Luông nhận thấy giống tre Bát Độ lấy măng dễ thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết trên địa bàn huyện Phong Thổ. Chưa kể chi phí trồng, chăm sóc cây tre không cao, thời gian cây trưởng thành và cho thu hoạch măng khoảng 2 năm và mang lại giá trị kinh tế cho bà con trên địa bàn.

Để mỗi người dân nơi biên cương là một cột mốc sống - Ảnh 5.

Trung tá Lê Văn Quyết, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Huổi Luông cho hay: “Hình ảnh cây tre biên giới Việt có ý nghĩa lớn về văn hóa, thể hiện hình ảnh thân thuộc, gắn liền với đời sống của mỗi người dân Việt Nam, đại diện cho tinh thần kiên cường, bất khuất, dẻo dai, đoàn kết gắn bó của dân tộc".

Đồn Biên phòng Huổi Luông phối hợp với Hội LHPN huyện Phong Thổ, Hội LHPN thành phố Lai Châu, UBND xã Huổi Luông triển khai thí điểm mô hình trồng tre Bát Độ trên biên giới với tên gọi mô hình "Lũy tre biên thùy". Tre sau khi trồng sẽ bàn giao cho các hộ dân tham gia bản Hồ Thầu, xã Huổi Luông chăm sóc, quản lý để làm mô hình sinh kế cho người dân.

Thực hiện mô hình này, Đồn biên phòng Huổi Luông đã lựa chọn kỹ lưỡng chừng 3.600 cây tre để trồng thử nghiệm trên địa bàn. Tre được trồng dọc theo đường biên giới từ mốc giới số 57 đến mốc giới số 60, dài gần 3 km, thuộc bản Hồ Thầu, xã Huổi Luông. Số kinh phí 90 triệu đồng được Đồn Biên phòng Huổi Luông trao đổi, phối hợp với các cơ quan, đơn vị huy động, sử dụng cho việc mua giống tre, hỗ trợ phân bón ban đầu, mua dụng cụ. 

Chia sẻ về mô hình này, Trung tá Lê Văn Quyết cho hay: "Hình ảnh cây tre biên giới Việt có ý nghĩa lớn về văn hóa, thể hiện hình ảnh thân thuộc, gắn liền với đời sống của mỗi người dân Việt Nam, đại diện cho tinh thần kiên cường, bất khuất, dẻo dai, đoàn kết gắn bó của dân tộc.

Đặc biệt, cây tre cũng như ngoại giao Việt Nam là sự kết hợp hài hòa giữa "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển". Hơn nữa, việc trồng tre làm hàng rào biên giới "mềm" chi phí thấp hơn nhiều so với đầu tư xây dựng hệ thống hàng rào cứng nên vừa tạo nguồn sinh kế mới cho người dân địa phương vừa góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, chống xói mòn, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho Đồn Biên phòng và nhân dân xã Huổi Luông. Đối với công tác quản lý, bảo vệ biên giới, việc trồng tre sẽ giúp nhân dân dễ nhận biết đường biên giới, tạo thuận lợi cho công tác quản lý biên giới và dần hình thành hàng rào "mềm" rất phù hợp để quản lý bảo vệ biên giới".

Để mỗi người dân nơi biên cương là một cột mốc sống - Ảnh 6.

Người dân bản Hồ Thầu, xã Huổi Luông, huyện Phòng Thổ, tỉnh Lai Châu trồng tre nơi mốc biên giới.

"Khi bà con trồng, chăm sóc tre ở đường biên giới, họ sẽ là những chiến sĩ hỗ trợ biên phòng phát hiện dấu hiệu bất thường, người vượt biên trái phép để kịp thời cung cấp thông tin, phối hợp xử lý", Trung tá Lê Văn Quyết nhấn mạnh ý nghĩa của mô hình này.

Trên cơ sở đánh giá hiệu quả của mô hình "Lũy tre biên thùy", Đồn Biên phòng Huổi Luông tiếp tục nghiên cứu tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh; Huyện ủy, UBND huyện Phong Thổ mở rộng mô hình trên các đoạn biên giới thuộc huyện Phong Thổ và tuyến biên giới tỉnh Lai Châu để mô hình phát triển bền vững, thực sự trở thành "Lũy thép biên thùy" trên biên giới Lai Châu.      

Sát cánh giúp người dân phát triển kinh tế, xây dựng biên cương vững chắc

Theo Bộ Tư lệnh Bội đội Biên phòng, trong những năm qua, cùng với việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Bộ đội Biên phòng đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần xây dựng khu vực biên giới vững mạnh; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Qua đó, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và quân đội; giúp nhân dân yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống, gắn bó với địa bàn biên giới, xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc, nền biên phòng toàn dân vững mạnh; xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chính ủy Bộ đội Biên phòng, do nhiều nguyên nhân, đời sống nhân dân ở khu vực biên giới còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội còn chậm phát triển. Vì vậy, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh xác định: Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài và rất quan trọng của Bộ đội Biên phòng.

Ở Lai Châu, không chỉ ở Pa Ủ, ở Huổi Luông, trong những năm qua, Bộ đội Biên phòng Lai Châu đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, việc làm cụ thể, thiết thực, sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, mang lại những đổi thay nhanh chóng nơi mảnh đất biên cương.

BĐBP Lai Châu đã triển khai nhiều chương trình, mô hình giúp dân phát triển kinh tế phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Nổi bật là Chương trình "Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới", "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", "Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng", "Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản".

Để mỗi người dân nơi biên cương là một cột mốc sống - Ảnh 7.

Giống tre Bát Độ lấy măng dễ thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết trên địa bản huyện Phong Thổ.

Trong đó, từ năm 2018 đến nay, BĐBP Lai Châu phối hợp với MTTQ Việt Nam tỉnh Lai Châu và các tổ chức chính trị xã hội tổ chức Chương trình "Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản" ở 22 xã biên giới. Qua chương trình, hơn 6.800 suất quà trị giá trên 5 tỉ đồng đã được trao tận tay người dân biên giới. Còn thông qua Chương trình "Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới", hơn 1.200 hộ dân nghèo đã được tặng bò giống để phát triển kinh tế.

Các Đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã có nhiều giải pháp để duy trì, củng cố và nâng cao hiệu quả, năng suất các mô hình phát triển kinh tế, các mô hình giúp dân như: Bảo tồn và phát triển cây chè cổ thụ, lúa nước, trồng xả lấy tinh dầu, trồng chuối, chăn nuôi gia súc tập trung... để giúp nhân dân khu vực biên giới phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, có thêm sinh kế, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. 

Điển hình như mô hình nuôi gia súc tập trung (Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng, Pa Ủ); trồng chuối thương phẩm, "Lũy tre biên thùy" (Đồn Biên phòng Huổi Luông); nuôi dê sinh sản tại các xã Pa Vây Sử, Mồ Sì San; nuôi cá tầm, cá hồi tại xã Pa Vây Sử (Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải); mô hình trồng cây sa nhân, mắc-ca tại địa bàn các đồn biên phòng tuyến Mường Tè…

Những việc làm thiết thực của BĐBP Lai Châu đã góp phần giúp đỡ, chia sẻ những khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số, củng cố tình đoàn kết quân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu vực biên giới, tạo thành những lá chắn thép bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Phương Loan
Ý kiến của bạn