Để nét đẹp Hà Nội lan toả tới du khách
Sức hút của du lịch Hà Nội với du khách trong và ngoài nước còn thể hiện ở việc thành phố này liên tục nhận được các bình chọn là điểm đến hấp dẫn du khách thế giới. Đặc biệt, sau thời gian dịch bệnh COVID-19 kéo dài, du lịch Hà Nội đang dần phục hồi với lượng khách tăng cao.
Hà Nội điểm đến hấp dẫn
Riêng tháng 5/2023, ước tính Hà Nội đón hơn 2 triệu lượt khách, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2022, giảm 8% với tháng 4/2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt hơn 316 nghìn lượt.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt hơn 10 triệu lượt, tăng 53,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 1,71 triệu lượt, tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm 2022. Khách nội địa ước đạt 8,4 triệu lượt, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 37 nghìn tỷ đồng, tăng 92,4% với cùng kỳ năm trước.
Trong mắt du khách nước ngoài, Hà Nội không chỉ là điểm đến, mà còn lắng đọng nhiều dấu ấn đặc biệt. Khi đến với Hà Nội, du khách sẽ cảm nhận ngay được sự nhộn nhịp của cuộc sống, sự đa dạng trong ẩm thực cùng bề dày văn hóa, lịch sử và sự thân thiện của người dân. Từ những ngõ ngách trong thành phố, những công trình từ thời Pháp, các quán sá vỉa hè với những món ẩm thực địa phương phong phú hay cách người Hà Nội sử dụng phương tiện giao thông cũng trở thành những ấn tượng khó quên trong lòng du khách.
Những gánh hàng rong trên đường phố Hà Nội là nét giản dị mộc mạc giữa một đô thị phồn hoa. Không biết những gánh hàng này xuất hiện tự bao giờ, nhưng từ lâu, người ta vốn coi nó là điều thân thuộc, như nét đẹp riêng của nền văn hóa Hà thành. Trên khắp mọi nẻo đường, những gánh hàng không chỉ mang đến những món quà quê dân dã, mà còn là nét duyên ngầm đi cùng năm tháng, níu giữ lại hình ảnh một Hà Nội xưa.
Đặc biệt, du khách vẫn có thể tìm thấy những nét đặc trưng của một Hà Nội xưa qua nhiều cửa hàng nơi những nghệ nhân làm đồ truyền thống như gốm, sứ, bạc, đồng... sinh sống và làm việc. Họ là những người giữ gìn và bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa của Hà Nội. Ngoài ra, du khách cũng có thể đắm mình trong không khí cổ xưa ở Hà Nội khi tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam và là nơi thờ Khổng Tử.
Lan rộng hình ảnh đẹp của Hà Nội
Mỗi du khách quốc tế đến với Hà Nội đều có những ấn tượng đẹp, với một thủ đô cổ kính, mang vẻ đẹp thanh bình, cùng những nét văn hóa, ẩm thực đặc sắc, nét dân dã, thân thuộc, và sự nhiệt thành, thanh lịch của người dân Hà thành.
Điều này cần được lan toả hơn trong lòng du khách trong và ngoài nước. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước chọn hình thức quảng bá ấn tượng, trên CNN. Đầu 2017, UBND TP Hà Nội đã ký kết hợp tác tuyên truyền quảng bá giai đoạn 2017 – 2018 với mạng tin tức truyền hình cáp CNN. Đây được xem là bước đột phá giúp Hà Nội thu hút du khách quốc tế. Bởi hiện CNN có hàng tỷ khán giả trên toàn thế giới và là nhà cung cấp tin tức cho hơn 200 đài phát thanh và truyền hình trên toàn cầu.
Tính đến tháng 5/2023, trên địa bàn Hà Nội có 3.756 cơ sở lưu trú du lịch với 70.218 phòng, trong đó có 603 khách sạn đã được xếp hạng từ 1 đến 5 sao với 25.550 phòng, chiếm 16,1% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn và 36,3% tổng số phòng. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1 đến 5 sao ước đạt khoảng 65,7%, tăng 0,2% so với tháng 4/2023 và tăng 20,5% so với tháng cùng kỳ năm 2022. Tính chung 5 tháng đầu năm, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 60,1% tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 5 vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp Sở Giao thông vận tải tham mưu UBND Thành phố triển khai thực hiện phục vụ miễn phí du khách tham quan Hà Nội bằng xe buýt hai tầng trong kì nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30/4 - 1/5; Phối hợp với Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức trao tặng các phần quà đến du khách cả nước khi viếng thăm Lăng Bác.
Để đạt mục tiêu đón 22 triệu lượt khách du lịch trong năm 2023, Sở Du lịch Hà Nội đang tăng cường các đoàn khảo sát, phối hợp các quận, huyện để xây dựng những sản phẩm du lịch mới, như du lịch golf, các tuyến du lịch đường thủy nội địa dọc sông Hồng, hồ Tây, hồ Đồng Mô... gắn với các điểm đến du lịch văn hóa, di sản, du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm tại các quận, huyện, thị xã.
Bên cạnh đó, Sở đang phối hợp thực hiện chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch thiết yếu tại các khu du lịch, điểm du lịch trọng điểm: Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương), làng gốm sứ Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc, làng cổ ở Đường Lâm, khu vực Ba Vì… Sở đề nghị các địa phương cần cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng nội khu, hạ tầng giao thông kết nối và hạ tầng dịch vụ tại các bến cảng đường thủy phục vụ phát triển các tuyến du lịch đường thủy.
Minh ĐăngGiá xăng đồng loạt giảm từ 15h hôm nay (26/12), sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.