Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, đến nay, ngành đường Việt Nam đã hoàn thành niên vụ mía 2020-2021. Toàn ngành đã ép được 6.739.417 tấn mía, đạt sản lượng 689.830 tấn đường, thấp hơn niên vụ 2019/2020. Trong niên vụ 2020/2021, mặc dù giá mía nguyên liệu có tăng khoảng từ 150.000 đến 200.000 đồng/tấn so với niên vụ trước, nhưng vẫn là năm khó khăn chung của ngành mía đường nước ta.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, niên vụ 2020-2021, nông dân không mặn mà với cây mía dẫn đến năng suất, chất lượng và sản lượng mía đều giảm. Diện tích trồng mía còn 187.100 ha, giảm 19,83% so với vụ trước. Mía được đưa vào các nhà máy đường chế biến khoảng 6,7 triệu tấn, giảm gần 1 triệu tấn so với dự kiến. Sản lượng đường sản xuất được là 901.230 tấn, giảm 78.124 tấn, tương đương 10,17% so với vụ trước và thấp nhất trong 20 vụ gần đây. Gần 1/2 nhà máy đường đã "rơi rụng", từ 41 nhà máy hiện còn 24 nhà máy.
Nguyên nhân một phần do đường nhập khẩu tràn ngập với số lượng quá lớn đã khiến nhà máy đường không thể phát triển được.
Sau khi Bộ Công Thương ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp Chống bán phá giá và Chống trợ cấp, các nhà máy đường đã nâng giá mua mía từ mức 800.000 đồng - 850.000 đồng/tấn lên 900.000 đồng - 1,1 triệu đồng/tấn tùy theo vùng nhằm khuyến khích nông dân duy trì diện tích mía.
Nhờ vậy, hầu hết cổ phiếu nhóm đường đều đã bay cao trong thời gian gần đây. Đơn cử, QNS của Đường Quảng Ngãi tăng một mạch 46% trong vòng chưa đầy hai tháng. SBT của Thành Thành Công Biên Hoà điều chỉnh, ở vùng giá 21.600 đồng/cổ phiếu tuy nhiên đây vẫn là mức cao đáng kể so với thời điểm giữa tháng 7 là 16.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu SLS của Mía đường Sơn La cũng tăng từ đầu tháng 8 đến nay với biên độ tăng 45%, đang ở đỉnh cao của lịch sử. Mía Đường Lam Sơn - LSS cũng tăng 66% kể từ đầu tháng 8.
Tuy nhiên, từ những tháng đầu năm, đường có nguồn gốc nhập khẩu, bao gồm nhập chính ngạch và nhập lậu, tiếp tục làm chủ thị trường.
Đường sản xuất từ mía trong nước hầu như không thể tiêu thụ được trước sự cạnh tranh của các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu, càng gây khó khăn cho các nhà máy đường trong nước.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, một nguyên nhân nữa khiến đường trong nước "lao đao" là do giá đường thế giới giảm sâu (năm 2019 - 2020 giảm 18 - 20% so với 3 năm trước) dẫn đến giá đường và giá mía nguyên liệu thấp, sản xuất mía bị thua lỗ, người nông dân thu hẹp diện tích mía.
Hội nhập ATIGA, ngành mía đường gặp nhiều thách thức trước sự cạnh tranh của đường nhập khẩu, bên cạnh đó là đường nhập lậu chưa giải quyết được triệt để.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), việc nhập khẩu đường đang có diễn biến bất thường. Đường từ Thái Lan "quá giang" Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia rồi tuồn vào Việt Nam để lẩn tránh thuế. Trước đó, cả 5 quốc gia này chưa từng xuất khẩu đường sang Việt Nam. VSSA cho rằng có dấu hiệu rõ ràng của động thái lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) đối với sản phẩm đường có xuất xứ từ Thái Lan.
Bên cạnh đó, khâu trồng mía của Việt Nam hiệu quả còn thấp, cạnh tranh giữa cây mía với các loại cây trồng khác gay gắt. Biến đổi khí hậu gây nhiều tác động tiêu cực, làm giảm năng suất mía ở những vùng trọng điểm. Thiếu lực lượng lao động, nhất là thời điểm thu hoạch mía, khiến giá nhân công tăng cao dẫn đến giá thành sản xuất mía và đường cao.
Ngoài yếu tố khách quan, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cũng cho rằng, sản xuất mía tại nhiều địa phương quy mô hộ gia đình manh mún, nhỏ lẻ, dẫn đến hạn chế việc đầu tư xây dựng hạ tầng cũng như áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất mía. Bên cạnh đó, một số nhà máy đường máy móc thiết bị đã cũ, dẫn đến chi phí lớn; một số doanh nghiệp đường đầu tư nâng cấp công nghệ hoặc đầu tư mới dự án sản xuất sản phẩm cạnh đường và đầu tư ngoài ngành đường còn chưa phát huy hiệu quả. Khâu phân phối, tiêu thụ đường, các doanh nghiệp tổ chức chưa hợp lý khiến đẩy giá bán lẻ đường cao, khó cạnh tranh.
Sau khi lao dốc vì đường nhập lậu, cụ thể là đường nhập từ Thái Lan, hiện ngành mía đường Việt Nam đang dần phục hồi. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, ngành mía đường cần có nhiều thay đổi.
Tại Hội thảo “Để mía không đắng” tổ chức mới đây, các chuyên gia đã nêu nhiều giải pháp phát triển bền vững ngành mía đường Việt Nam.
Theo đó, để ngành mía đường phát triển bền vững thì việc hợp tác, liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ là một vấn đề thiết yếu để phát triển sản xuất hàng hóa và đôi bên cùng có lợi. Khi đó, người nông dân mới yên tâm sản xuất và doanh nghiệp (DN) mới có vùng nguyên liệu ổn định. Trên thực tế, việc chuyển đổi bộ giống mía phù hợp với thổ nhưỡng, cho chữ đường cao hay việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất mía nhằm nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm nếu chỉ một mình nhà nông không thể làm nổi.
"Các DN phải có hợp đồng ký kết, đầu tư bao tiêu sản phẩm cho nông dân trồng mía trên địa bàn thì họ mới yên tâm sản xuất", ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Phú Yên nói và nêu thực trạng nhiều DN mía đường thường chỉ nhắm vào một sản phẩm sau mía là đường để đầu tư. Trong khi để hạ giá thành, các DN mía đường cần đa dạng hóa sản phẩm sau mía.
Ngoài đường, các DN nên tập trung để cho ra các sản phẩm điện sinh khối từ bã mía; nhiên liệu sinh học; ethanol, cồn từ mật rỉ và mía; phân bón hữu cơ, vi sinh từ bã bùn. Theo ông Tùng, "làm sao để giá thành đường dưới 10.000 đồng/kg mới đủ sức cạnh tranh".
Ông Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, thì cho rằng, để đa dạng hóa sản phẩm, DN được phát triển, người trồng mía "sống khỏe" thì Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách hợp lý nhằm khuyến khích cho ngành mía đường. Hiện công ty này đang sản xuất điện sinh khối từ bã mía nhưng giá mua điện sinh khối hiện nay chỉ 1.634 đồng/KWh, tương đương 7,03 UScents/KWh là quá thấp so với các nước trong khu vực.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, về vấn đề này, chúng ta phải nhìn nhận đúng để Nhà nước ra chính sách đúng đắn cho ngành đường, nếu không sẽ thiết kế sai chính sách. “Nhà nước đã và sẽ hết sức mình để tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng thông qua các loại thuế phòng vệ thương mại để hỗ trợ cho ngành đường phát triển. Giờ là lúc chúng ta cần quay lại để hoàn thiện bản thân mình” - Thứ trưởng Khánh nhấn mạnh.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhìn nhận, đường nhập lậu làm cho ngành đường gặp khó, hội nhập cũng khiến ngành đường vào thế cạnh tranh cao. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ chính thức mở cửa thị trường đường từ ngày 1/1/2020, trong khi đó, các ý kiến phân tích đều cho thấy ngành mía đường gặp khó từ những giai đoạn trước đó. Và rất nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, hiệu quả của ngành đường. Vì vậy, ngành đường cần phải trung thực với chính mình.
Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam hiện nay, phải phát triển sản xuất theo nguyên tắc nông nghiệp số chính xác. Ngành đường Việt Nam hiện nay mới ở trình độ sản xuất trung bình, cần sớm chuyển sang mức trung bình khá, tiệm cận trình độ khá của thế giới chuẩn bị cho giai đoạn không có hàng rào phòng vệ. Thực tế, ngành nông nghiệp mía đường Việt Nam chỉ ở quy mô nông hộ nhỏ bình quân 0,8 ha/hộ và đa số đất canh tác là đồi dốc sỏi đá và nguồn lực đầu tư có hạn. Mô hình cánh đồng lớn cơ giới hóa hầu như không khả thi với các đồi mía như hiện nay nên không thể nào là lời giải cho thách thức của ngành nông nghiệp mía đường Việt Nam.
Cụ thể, các địa phương trồng mía cần có cơ chế hỗ trợ để ngành mía đường xây dựng hệ thống thông tin khí hậu chuyên ngành mía đường trên cơ sở mạng lưới quan trắc khí hậu tự động tại các vùng chuyên canh mía kết hợp hệ thống dữ liệu lớn nhằm thu thập và cung cấp dự báo thông tin cho các vùng chuyên canh mía.
Phát triển các ứng dụng điện thoại số nhằm cung cấp thông tin chuyên ngành về canh tác thu hoạch mía đến từng người nông dân. Nghiên cứu áp dụng công nghệ bay không người lái kết hợp cảm biến và công nghệ số nhằm hỗ trợ quản lý hiệu quả cánh đồng mía và thực hiện một số công việc canh tác mía nhằm giảm chi phí và tăng năng suất cho nông dân trồng mía.
Kế đến, cần giải quyết đồng bộ, căn cơ từ bài toán nguyên liệu đầu vào đến phát triển sản phẩm đồng hành bổ sung cho sản phẩm đường. Để làm được điều đó, doanh nghiệp phải tích lũy, đầu tư và chấp nhận rủi ro. Ngoài ra, cần giải quyết tốt bài toán thị trường, làm thương hiệu. Xây dựng kênh phân phối toàn diện từ sản xuất đến tiêu dùng, bán lẻ để tiết giảm khâu trung gian, chi phí cho người trồng mía, doanh nghiệp. Đồng thời, tìm hiểu cơ hội tiềm năng của thị trường xuất khẩu, ví dụ như xuất khẩu đường hữu cơ, đường phèn, ông Ngữ cho biết thêm.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh còn đề nghị tách bạch ngành mía với ngành đường, không đánh đồng vì bản chất hai ngành khác nhau, không nhất thiết phụ thuộc lẫn nhau. Ngành đường cần phải đồng hành với nông dân, doanh nghiệp cần đưa ra giá mua hợp lý cho người nông dân vì bình quân giá thu mua 1 triệu đường/tấn hiện nay chưa phải là cao. Người nông dân cũng phải nắm được giá đường để có căn cứ đàm phán giá với doanh nghiệp.
Áp dụng kỹ thuật công nghệ trong sản xuất mía đường giúp tăng năng suất.
Ngoài ra, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ NN-PTNT cho hay Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về việc triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới. Chỉ thị đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách và toàn diện để tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường, tiến tới ổn định và đáp ứng các mục tiêu lâu dài trong phát triển. Trong thời điểm hiện tại, bằng các biện pháp phòng vệ thương mại cùng những giải pháp đồng bộ của các bộ ngành và nỗ lực của các nhà máy thông qua tăng giá thu mua mía, dự kiến niên vụ tới, diện tích và sản lượng mía sẽ dần phục hồi.
Ngoài ra, trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ bố trí ưu tiên hơn nữa nguồn lực để nghiên cứu, phổ biến giống mía mới bảo đảm năng suất cao, chữ đường tốt và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể để phát triển mạnh các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất mía liên kết với nhà máy đường; chú trọng xây dựng hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng ở các vùng nguyên liệu mía; đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong một số khâu trọng yếu như làm đất, trồng, tưới, thu hoạch, vận chuyển mía…
THỰC HIỆN: HỒNG NHUNG