Đề nghị bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt nhập khẩu vào Hàn Quốc
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đề nghị bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc.
Đây là đề xuất nhằm giúp gia tăng sức cạnh tranh cho loại sản phẩm này của Việt Nam trước các đối thủ khi bán vào Hàn Quốc.
Trong văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công thương, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết, Hàn Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của sản phẩm tôm Việt Nam.
Mỗi năm, xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc đạt 400 - 500 triệu USD, chỉ xếp sau Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc. Mỗi năm, Hàn Quốc nhập khẩu trên 100.000 tấn tôm với giá trị từ 800 triệu - 1 tỷ USD. Trong đó, tôm Việt Nam được nhập khẩu tăng hàng năm và chiếm thị phần cao nhất trên 50% nhờ có Hiệp Định FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc mặc dù vẫn đang thực hiện cơ chế hạn ngạch (15.000 tấn với mức thuế 0%).
Theo VASEP, trong năm 2022, mặc dù có nhiều khó khăn thách thức, ngành tôm Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ, sản lượng tôm nuôi đạt 745 ngàn tấn, doanh số xuất khẩu đạt trên 4,3 tỷ USD trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản 11 tỷ USD.
Bước sang 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 141 triệu USD, giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Hàn Quốc đã nhập khẩu tôm từ Việt Nam đạt 19 triệu USD.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc trong năm 2022 có phần sôi động hơn so với năm 2021 nhờ lợi thế khoảng cách gần. Cũng giống như thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc là thị trường được doanh nghiệp ưu tiên XK trong bối cảnh lạm phát tăng kỷ lục và nhu cầu giảm tại các thị trường Mỹ, EU.
Tuy nhiên, gần đây qua thông tin phản ánh từ doanh nghiệp hội viên của VASEP cho biết, hiện nay ở Hàn Quốc chi phí để có được hạn ngạch nhập khẩu tôm theo VKFTA thông qua cơ chế đấu thầu đã tăng đến khoảng 14-16% so với giá trị nhập khẩu và mức này xấp xỉ với mức thuế nhập khẩu 20% đối với khối lượng tôm nhập khẩu ngoài hạn ngạch.
Các nhà nhập khẩu cho rằng, dù áp dụng VKFTA nhưng tôm Việt Nam khi nhập khẩu vào Hàn Quốc thực tế vẫn coi như họ phải trả thuế từ 14 đến 20%, làm tăng giá thành và khó cạnh tranh ở thị trường như trước đây. Hậu quả là các nhà nhập khẩu không còn động lực để tăng mua tôm Việt Nam để được hưởng thuế suất ưu đãi theo Hiệp định, và họ đang xem xét mua tôm từ các quốc gia khác như Peru (Peru không có hạn ngạch mà áp dụng thuế về 0 theo lộ trình 5 - 7 năm quy định trong FTA với Hàn Quốc).
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh xuất khẩu tôm, VASEP đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét vấn đề phí hạn ngạch có thể ảnh hưởng đến việc gia tăng xuất khẩu tôm vào Hàn Quốc nếu tiếp tục áp hạn ngạch đối với các sản phẩm tôm Việt Nam và có các giải pháp liên quan đến việc điều chỉnh thuế suất về 0% cho tôm Việt Nam trong VKFTA.
Huyền My (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.