Đề nghị triển khai đồng bộ quản lý đường cao tốc bằng hệ thống ITS

Chính sách
08:36 AM 06/05/2024

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống ITS trên các tuyến đường bộ cao tốc.

Theo thống kê của Bộ GTVT, cả nước hiện mới chỉ có 8/35 tuyến cao tốc được đầu tư lắp đặt hệ thống ITS, gồm: Hà Nội - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, TP Hồ Chí Minh - Long Thành, Long Thành - Dầu Giây, TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Đề nghị triển khai đồng bộ quản lý đường cao tốc bằng hệ thống ITS- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Việt Nam chưa có quy hoạch hệ thống ITS quốc gia, dẫn đến việc đầu tư các hệ thống ITS không thống nhất được các dịch vụ ITS cung cấp. Thực tế này khiến việc chia sẻ dữ liệu liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các lực lượng chuyên ngành chưa hiệu quả.

Theo đề nghị của Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, phối hợp nghiên cứu xây dựng ITS đồng bộ để quản lý khai thác tuyến cao tốc Bắc Nam bảo đảm minh bạch, tránh lãng phí, nhằm tối ưu hóa hiệu suất khai thác, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, hiệu quả, tiện lợi.

Theo quy hoạch đường bộ cao tốc, Việt Nam sẽ có 41 tuyến, với tổng chiều dài hơn 9.000 km. Đến nay, cả nước đã có 34 tuyến, với tổng chiều dài 1.829km đưa vào khai thác. Dự kiến, đến năm 2025 sẽ đạt 3.000km và đến năm 2030 đạt 5.000km đường cao tốc.

Theo Cục Đường cao tốc Việt Nam, hệ thống ITS có vai trò quan trọng không kém so với xây dựng tuyến đường. Việc đầu tư hệ thống ITS cần đảm bảo trung bình từ 70-100km sẽ được điều hành bởi một trung tâm xử lý dữ liệu.

Lộ trình thực hiện trong giai đoạn 2023-2025, Bộ GTVT sẽ xây dựng quy hoạch ITS quốc gia và kiến trúc ITS quốc gia đến năm 2030; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho đầu tư, khai thác, sử dụng ITS đã và đang đầu tư; thống nhất mô hình các giai đoạn phát triển của hệ thống thu phí không dừng (ETC)…

Giai đoạn 2025-2030 sẽ triển khai xây dựng trung tâm quản lý, điều hành giao thông quốc gia; kết nối các trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến về trung tâm quản lý, điều hành giao thông quốc gia; vận hành trung tâm quản lý, điều hành giao thông quốc gia đối với hệ thống đường cao tốc.

Giai đoạn sau 2030, tiếp tục hoàn thiện hệ thống ITS các tuyến cao tốc được đầu tư hoàn chỉnh; kết nối các trung tâm ITS tuyến thuộc địa phương về trung tâm quản lý, điều hành giao thông quốc gia; vận hành trung tâm quản lý, điều hành giao thông quốc gia trên phạm vi toàn quốc.

Nam Dương (T/h)
Ý kiến của bạn
Năm 2024 là năm bứt phá của nông nghiệp Việt Nam Năm 2024 là năm bứt phá của nông nghiệp Việt Nam

Năm 2024 ghi dấu ấn là năm bứt phá của ngành nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và xuất khẩu. Giá trị sản xuất tăng trưởng trên 3,2%, trong khi kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản ước đạt trên 62 tỷ USD, tăng trên 18% so năm 2023.