Đề nghị xem xét thay đổi việc xét nghiệm SARS-CoV-2 với trẻ em đi máy bay

Xã hội
02:01 PM 21/01/2022

Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Y tế xem xét lại quy định người chưa tiêm vắc xin phải xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi lên máy bay. Quy định này đang gây khó khăn, phiền toái cho nhiều gia đình có con nhỏ.

Mới đây, Bộ GTVT đã có công văn gửi Bộ Y tế về việc hướng dẫn quy định xét nghiệm đối với phi công, tiếp viên khi làm nhiệm vụ trên các chuyến bay nội địa và đối với trẻ em dưới 12 tuổi.

Do gần đây, Bộ Giao thông vận tải nhận được công văn của Vietnam Airlines đề xuất xem xét không áp dụng quy định về lấy mẫu xét nghiệm đối với phi công, tiếp viên khi làm nhiệm vụ trên các chuyến bay nội địa, đồng thời ghi nhận kiến nghị của người dân về việc hành khách là trẻ em phải xét nghiệm SARS-CoV-2 khi đi máy bay. Hiện Bộ đang làm việc với ngành y tế để có phương án giải quyết.

Đề nghị xem xét thay đổi việc xét nghiệm SARS-CoV-2 với trẻ em đi máy bay - Ảnh 1.

Quy định người chưa tiêm vắc xin phải xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi lên máy bay đang gây khó khăn cho nhiều gia đình có con nhỏ (ảnh minh họa)

Trước đó, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, Bộ đã ban hành các hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không) đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Đối với lĩnh vực hàng không, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 1840/QĐ-BGTVT ngày 20/10/2021 quy định tạm thời về tiếp tục triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các văn bản hướng dẫn khác có liên quan.

Theo đó, hành khách ở địa bàn có dịch cấp 4 hoặc chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch cấp 4 phải xét nghiệm trước khi lên máy bay. Nếu không phải người xuất phát từ vùng dịch cấp 4, hành khách chỉ cần 1 trong 3 điều kiện: Có chứng nhận đã tiêm đủ vắc xin phòng Covid-19; khỏi bệnh Covid-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Quy định trên khiến cho gia đình có trẻ nhỏ dưới 12 tuổi - nhóm chưa được tiêm vắc xin - buộc phải chọn giải pháp xét nghiệm nhanh. Không chỉ trẻ em dưới 12 tuổi, nhóm trẻ 12-17 tuổi cũng nhiều trường hợp chưa được tiêm đủ liều.

Theo Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có ý kiến chỉ đạo giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh quy định về tiêu chuẩn, điều kiện hành khách để đáp ứng nhu cầu đi lại chính đáng của nhân dân trên nguyên tắc bảo đảm an toàn, thích ứng, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề nghị Bộ Y tế có ý kiến và hướng dẫn cụ thể về quy định xét nghiệm đối với tổ bay trên các chuyến bay nội địa và đối với trẻ dưới 12 tuổi khi tham gia giao thông. Do thời gian gấp, Bộ Giao thông vận tải mong sớm nhận được trả lời của Bộ Y tế trước ngày 22-1 để triển khai, thực hiện.

Trao đổi với các cơ quan báo chí về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho rằng Bộ GTVT nên bỏ quy định bắt xét nghiệm với người chưa tiêm vaccine. Thứ nhất là quy định này ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm trẻ em - những người chưa được tiêm vaccine với lý do bất khả kháng.

"Bên cạnh đó, yêu cầu hành khách xét nghiệm với kỳ vọng không để mầm bệnh lây lan về địa phương là không khả thi. Bởi lúc đó khách chưa xác định dương tính nhưng có thể về đến nhà mới phát bệnh", ông Nga phân tích.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.