Để những giá trị văn hóa dân tộc thiểu số không bị "lãng quên'

Tiếp thị số
11:29 AM 07/07/2025

Trước thực trạng mai một ngày càng rõ rệt của nhiều loại hình văn hóa phi vật thể trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa ban hành Kế hoạch hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc này.

Kế hoạch của VH-TT&DL hướng đến mục tiêu bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một và lan tỏa ý thức gìn giữ giá trị truyền thống trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ các dân tộc thiểu số.

Để những giá trị văn hóa dân tộc thiểu số không bị "lãng quên'- Ảnh 1.

Tái hiện Tết Gơ rơ của đồng bào dân tộc Khơ Mú tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: Báo Lào Cai

Bên cạnh việc phục dựng các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc, lễ hội, nghề thủ công… chương trình cũng đặt trọng tâm vào việc truyền dạy, thực hành, biểu diễn và truyền thông văn hóa sống một cách bài bản, khoa học, gắn với phát triển du lịch bền vững.

Theo Kế hoạch, Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ phối hợp với các địa phương để tổ chức hàng loạt hoạt động nghiên cứu, tập huấn, truyền dạy văn hóa phi vật thể tại nhiều tỉnh, nơi có cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời.

Cụ thể, Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Nghệ An tổ chức hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ, dân nhạc dân tộc Ơ Đu và dân tộc Khơ Mú tỉnh Nghệ An.

Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Điện Biên tổ chức hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể Lễ Quét làng dân tộc Phù Lá, tỉnh Điện Biên. Tổ chức hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ, dân nhạc dân tộc Cống tỉnh Điện Biên.

Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở VH-TTDL tỉnh Lâm Đồng tổ chức hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ, dân nhạc dân tộc Chu Ru, tỉnh Lâm Đồng. Tổ chức hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ, dân nhạc dân tộc Mạ tại tỉnh Lâm Đồng.

Không dừng lại ở lý thuyết hay sưu tầm tài liệu, kế hoạch lần này đặc biệt nhấn mạnh yếu tố "truyền dạy - thực hành - phổ biến".

Các hoạt động truyền dạy, hướng dẫn trình diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống sẽ được tổ chức tại chỗ, do chính các nghệ nhân địa phương đảm nhiệm. Song song đó là việc hỗ trợ đạo cụ, nhạc cụ, thiết bị biểu diễn và ghi hình, dựng phim tư liệu về di sản nhằm xây dựng kho dữ liệu phong phú phục vụ giáo dục, quảng bá, truyền thông trong cộng đồng.

Các sản phẩm phim tư liệu sau khi hoàn thiện sẽ được chuyển giao cho địa phương, góp phần nâng cao nhận thức xã hội và giúp các thế hệ sau dễ dàng tiếp cận kho tàng văn hóa quý báu của ông cha.

Kế hoạch được ban hành nhằm góp phần gìn giữ, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc, độc đáo của các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ mai một, qua đó góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Đồng thời, thúc đẩy việc truyền dạy, học tập và thực hành các loại hình văn hóa phi vật thể trong cộng đồng, nhất là trong thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số.

Qua đó, nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, chính quyền địa phương và toàn xã hội về vai trò năng lực của chủ thể văn hóa, giá trị của di sản văn hóa phi vật thể trong phát triển bền vững; góp phần xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa, tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương trên cơ sở phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Thời gian thực hiện Kế hoạch từ tháng 7 đến tháng 12/2025.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý II/2025 đạt 8,2 triệu đồng Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý II/2025 đạt 8,2 triệu đồng

Theo số liệu từ Cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý II/2025 đạt 8,2 triệu đồng, giảm 58.000 đồng so với quý I. Dù vậy, con số này vẫn tăng 800.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.