Đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe nhất, hiện nông sản Việt đang từng bước chinh phục thị trường thế giới, mở ra cơ hội to lớn cho các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam trên toàn cầu.

 Xuất khẩu nông, lâm thủy sản 

đón nhận những tín hiệu vui

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT đến đầu tháng 6.2021, giá trị xuất khẩu (XK) các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,78 tỉ USD, tăng 13%; giá trị xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 166 triệu USD, tăng 43,9%; giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 3,24 tỉ USD, tăng 12%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 7,06 tỉ USD, tăng 61,8%.

Đáng ghi nhận, cao su là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất 5 tháng đầu năm 2021 với mức tăng lên tới 58,7% về lượng và tăng 94% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, đạt 548.000 tấn, trị giá 923 triệu USD.

Để nông sản Việt vươn tầm thế giới - Ảnh 1.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông lâm, thủy sản ghi nhận tăng trưởng ở nhiều ngành hàng như thủy sản, rau quả, gạo, chè do hỗ trợ của các Hiệp định Thương mại tự do lớn như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP... giúp Việt Nam tham gia vào các thị trường lớn.

Dự kiến, trong thời gian tới sẽ có khoảng 100 tấn vải thiều XK sang bang Nam Australia và Tây Australia; vải thiều Việt Nam đang được XK mạnh sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, Australia, Pháp, Czech… và đặc biệt mỗi ngày chỉ riêng tỉnh Bắc Giang cũng có tới 1.000 tấn vải thiều XK sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Theo Bộ Công Thương, điều đáng nói là giá trị nông sản đều tăng mạnh. Riêng vải thiều, nếu chỉ tiêu thụ trong nước, giá trị chỉ khoảng 12.000-55.000 đồng/kg tùy loại, nhưng bán tại thị trường Nhật Bản, vải thiều có giá tới 450.000 đồng/kg; tại Pháp giá 18EUR/kg, 35EUR/2kg; tại Singapore giá gần 6 dollar Singapore/kg...

Trong gần 6 tháng qua với làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp, để hỗ trợ các địa phương trong việc tiêu thụ nông sản (đặc biệt là những địa phương có những nông sản đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch), Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để bàn giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19; đẩy mạnh tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín như: Alibaba, Amazon, Sendo, Voso, Shopee…; đẩy mạnh đàm phán với các nước để kết nối, thúc đẩy xuất khẩu trái cây, thủy sản sang Trung Quốc, Thái Lan, EU...

Để nông sản Việt vươn tầm thế giới - Ảnh 3.

Chợ thương mại điện tử, cần thiết cho việc thay đổi tư duy mua sắm

Trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục XTTM cho biết: Lô hàng gần một tấn vải thiều Thanh Hà Hải Dương đầu tiên có gắn tem truy xuất nguồn gốc của Cục XTTM, được nhập khẩu chính ngạch qua đường hàng không vào Pháp có ý nghĩa "khai thông" quan trọng cho trái vải nói riêng và nông sản Việt chất lượng cao nói chung.

Trong gian khó nhưng vẫn có những ngành hàng đạt giá trị hàng tỉ USD như ngành gỗ và lâm sản đặt mục tiêu thu về 14 tỉ USD; ngành thủy sản đạt trên 8 tỉ USD, XK lúa gạo, cà phê, cao su... mỗi mặt hàng dự kiến cũng sẽ mang về trên 3 tỉ USD, góp vào 41 tỉ USD kim ngạch XK của ngành NN trong năm 2021.

Thực hiện chuyển đổi số và hiện đại hóa khâu chế biến để nâng cao giá trị nông sản

Trong năm 2021, ngành NN&PTNT phấn đấu mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng ngành khoảng 2,7 - 3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trên 2,8 - 3,1%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD. Theo các chuyên gia, để đạt được kế hoạch đã đề ra, một trong những giải pháp cần thực hiện đầu tiên đó là hiện đại hóa khâu chế biến, đồng thời thực hiện ứng dụng chuyển đổi số để góp phần nâng cao giá trị nông sản.

Tại Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/7/2019, Chính phủ đã đặt mục tiêu "nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới; trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới. Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, trung tâm logistics nông sản toàn cầu".

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), trong những năm qua ngành nông nghiệp đã tái cơ cấu theo hướng hiện đại, công nghệ chế biến nông sản Việt Nam đã đạt mức độ trung bình của thế giới. Một số ngành hàng có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm khu vực và thế giới, giá trị như: Chế biến hạt điều, cà phê, lúa gạo, thủy sản...

Việc chú trọng đầu tư chế biến sau thu hoạch, giá trị sản phẩm đã được nâng cao, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của công nghiệp chế biến nông sản đạt khoảng 5-7%/năm. Nhờ đó, kim ngạch XK nông sản tăng mạnh, bình quân tăng khoảng 8-10%/năm. Công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản thực sự có tiến bộ lớn và thu hút được sự quan tâm đầu tư của các DN trong và ngoài nước, góp phần đáng kể vào nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, tiêu thụ đầu ra cho sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, cả nước đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản với trên 7.500 cơ sở quy mô lớn và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ. Tỉ lệ nông sản chế biến xuất khẩu chiếm tới 45% tổng kim ngạch XK nông sản; tăng trưởng xuất khẩu một số mặt hàng nông sản đạt kết quả khả quan, như: Thủy sản đạt 6,6%/năm, rau quả đạt 15,1%/năm, điều nhân đạt 5%/năm, gạo đạt 8,9%/năm, cao su đạt 11,3%/năm, sản phẩm gỗ đạt 14,9%/năm…

Để nông sản Việt vươn tầm thế giới - Ảnh 5.

Hiện tại trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến bất định, các thị trường xuất khẩu lớn đang tăng cường kiểm tra khắt khe đối với hàng nhập khẩu, giới chuyên gia cho rằng, việc đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến, đảm bảo chất lượng sản phẩm và các yếu tố kiểm dịch chính là những yếu tố cần thiết để nông sản Việt giữ vững chỗ đứng trên thị trường quốc tế hiện nay.

Trao đổi với báo chí chuyên gia nông nghiệp PGS-TS. Vũ Trọng Khải cho biết, chuyển đổi số trong nông nghiệp là tất yếu và doanh nghiệp Việt có thừa khả năng để làm điều này nếu có đủ quyết tâm. Bên cạnh đó, cũng cần có những chính sách khuyến khích từ phía Nhà nước, có ưu tiên đối với việc thúc đẩy người nông dân và doanh nghiệp tiếp cận với những công nghệ mới.

Về phía Bộ NN&PTNT khẳng định, mục tiêu của Bộ trong thời gian tới là chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xác định đây là giải pháp đột phá để nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững, hướng tới nông nghiệp chính xác, nông nghiệp thông minh. Đến năm 2025 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số, tập trung nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ 4.0, thử nghiệm mô hình nông nghiệp công nghệ cao sử dụng các nền tảng 4.0.

Thực hiện: Huyền My