Để phát triển bền vững, doanh nghiệp cần đầu tư ESG ngay từ đầu
Ngày 20/12, Trung tâm Báo chí (TTBC) TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam tổ chức “Chương trình bồi dưỡng kiến thức phát triển bền vững về môi trường trong tình hình mới tại TP. Hồ Chí Minh”.
Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TP.HCM Nguyễn Văn Khanh cho biết, chương trình cung cấp các kiến thức nền tảng về phát triển bền vững trong lĩnh vực môi trường; đánh giá vai trò của báo chí trong nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, truyền tải các mô hình, giải pháp điển hình về phát triển bền vững trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, thảo luận các nội dung liên quan đến xu hướng phát triển bền vững và các giải pháp truyền thông về môi trường.
Tiến sĩ Đinh Thị Ngọc Bích - Chuyên gia tư vấn và thành viên độc lập Tiểu ban phát triển bền vững Công ty Coteccons cho biết, truyền thông về môi trường, xã hội và quản trị (Environmental, social and governance - ESG) là chủ đề rất rộng.
Sau cuộc đại cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra, kèm với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, kinh tế là sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Từ năm 1992, Liên hiệp quốc ban hành công ước khung về biến đổi khí hậu, đến năm 1997, hội nghị Kyoto tại Nhật Bản cho ra đời nghị định thư Kyoto. Tiếp đó, là hội nghị Paris về biến đổi khí hậu với những tiêu chí cụ thể, trong đó giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5 độ C. Gần đây nhất là hội nghị các quốc gia cam kết về trung hòa carbon vào năm 2050 (Net Zero), trong đó có Việt Nam tham gia ký kết.
ESG liên quan đến biến đổi khí hậu và liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khi thực hiện nghị định thư Kyoto, các quốc gia Liên minh châu Âu cam kết vận hành, giảm phát thải nhà kính; quốc gia của các vùng khác cũng thực hiện trao đổi tín chỉ carbon.
Hiện nay tại Việt Nam, khi dự án nào đó được thực hiện, thì đơn vị thực hiện dự án đó buộc phải có trách nhiệm với môi trường, xã hội. ESG là bộ khung tiêu chuẩn đo lường những yếu tố liên quan đến hoạt động phát triển bền vững và đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp.
Tiến sĩ Đinh Thị Ngọc Bích cho biết thêm, bản chất của hoạt động ESG trong các doanh nghiệp, điều bắt buộc đầu tiên là tuân thủ các luật (Luật Lao động, Luật Môi trường…). Đồng thời, doanh nghiệp còn phải chịu trách nhiệm đối với môi trường, xã hội do chính hoạt động sản xuất của mình gây ra. Trước kia, từng có nhiều doanh lớn của quốc tế không tôn trọng các nội dung cốt lõi của ESG, họ đem sản phẩm, hàng hóa do sản xuất bị lỗi sang các nước châu Phi để cho và biến nơi này thành bãi rác, thay vì phải thiêu hủy. Hành vi này được xem là "tẩy xanh" (quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật).
Việc doanh nghiệp "tẩy xanh" được sản phẩm lỗi, cũng có sự tiếp tay của truyền thông khi đăng tải thông tin không chính xác, quảng cáo không kiểm duyệt, thiếu kiểm chứng, không vạch trần vi phạm của doanh nghiệp…
"Do đó, tất cả các hoạt động theo cách nâng cao xã hội và môi trường của doanh nghiệp, dù nhỏ nhất cũng cần được truyền thông khuyến khích và tôn vinh. Báo chí cũng nên cẩn thận với "tẩy xanh". Để phát triển một cách bền vững, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp nên chuẩn bị tâm thế cho tương lai: kiểm kê khí nhà kính; hạn ngạch phát thải; phân loại doanh nghiệp đưa lên sàn giao dịch; trái phiếu xanh…", Tiến sĩ Đinh Thị Ngọc Bích chia sẻ.
Hiện nay tại Việt Nam đã hình thành thị trường carbon, có 23 địa phương có sẵn dịch vụ lưu trữ carbon. Trong số này có 6 tỉnh được cấp mua bán tín chỉ carbon, như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị.
Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam góp mặt trong Top 30 nền kinh tế xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới với vị trí 23.