Để thị trường bán lẻ Việt sôi động trở lại
Từ đầu năm 2024 đến nay, các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ nội địa. Tuy nhiên theo ý kiến các chuyên gia, Nhà nước cần tiếp tục có thêm các giải pháp khác để giúp thị trường bán lẻ sôi động trở lại.
Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, từ đầu năm 2024 đến nay có rất nhiều giải pháp từ quản trị nhà nước, quản trị kinh tế, quản trị doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ nội địa. Tuy nhiên, việc thúc đẩy này đang gặp phải những rào cản lớn từ công ăn việc làm, thu nhập của người lao động giảm đã tác động trực tiếp đến bức tranh bán lẻ hiện tại.
Ngoài ra, chính sách giảm 2% thuế suất thuế Giá trị gia tăng kéo dài quá lâu sẽ dẫn đến giảm hiệu quả, không còn phát huy tác dụng kích cầu. Vì vậy, cần những giải pháp khác, tác động và hỗ trợ trực tiếp đến nhà sản xuất, nhà phân phối nhằm giúp họ tồn tại và phát triển như chính sách giảm giá trực tiếp cho thuê mặt bằng để tạo sự sôi động cho thị trường.
Để thúc đẩy tiêu dùng trong năm nay, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VnDirect kỳ vọng lượng khách du lịch tăng trở lại (dự đoán có khoảng 16,4 triệu lượt khách quốc tế sẽ ghé thăm Việt Nam vào năm 2024, tăng 30% so với năm 2023, còn khách du lịch nội địa tăng 7%) sẽ thúc đẩy các hoạt động lưu trú, ăn uống và giải trí, giúp nhu cầu tiêu dùng cải thiện đáng kể.
Riêng với tiêu dùng thiết yếu, theo VnDirect, sau sự phục hồi của ngành công nghiệp, việc làm và tiền lương sẽ được cải thiện trong năm 2024 và góp phần củng cố nhu cầu trong nước.
Hơn nữa, việc Chính phủ thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 sẽ có tác động lớn đến những người được hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục triển khai gói kích thích kinh tế nhằm hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong nửa đầu năm 2024.
Còn với hàng hóa không thiết yếu, các nhà bán lẻ hàng xa xỉ được dự đoán sẽ vẫn duy trì mức tăng trưởng. Như dữ liệu của World Data Lab, vào năm 2024, Việt Nam sẽ có thêm 4 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu (đứng thứ 5 trong 9 quốc gia châu Á được kỳ vọng sẽ có số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu lớn nhất vào năm 2024) và đến năm 2030 sẽ có thêm 23,2 triệu người. Dân số tăng nhanh, đặc biệt sự mở rộng của tầng lớp trung lưu đang thúc đẩy nhu cầu sử dụng các mặt hàng có thương hiệu và chất lượng cao tại Việt Nam.
Riêng với nhu cầu sản phẩm ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) và điện tử tiêu dùng vẫn bị ảnh hưởng mạnh trong năm nay. Giới phân tích cho rằng các công ty bán lẻ và phân phối điện tử tiêu dùng ở lĩnh vực này tiếp tục bị ảnh hưởng do đây là các sản phẩm mà khách hàng cắt giảm nhiều nhất khi thu nhập bị ảnh hưởng. Nhu cầu về sản phẩm ICT có thể sẽ bắt đầu phục hồi từ nửa cuối năm 2024 - đầu 2025 sau khi sụt giảm mạnh trong năm 2023.
Chẳng hạn như với thị trường bán lẻ điện thoại di động. Theo VnDirect, niềm tin của người tiêu dùng phục hồi chậm cho thấy sẽ cần thêm thời gian để nhu cầu thay điện thoại mới của người tiêu dùng quay trở lại.
Do đó, kỳ vọng chu kỳ tiêu thụ điện thoại mới sẽ rơi vào nửa cuối năm 2024, khi các mẫu điện thoại mới được ra mắt và nền kinh tế dần phục hồi. Và phải đến năm 2025 thì doanh thu mảng ICT và điện máy mới có thể trở lại mức của năm 2022 – mức đỉnh điểm tiêu dùng sau đại dịch.
Để tiếp cải thiện thị trường bán lẻ không thiết yếu, điều kỳ vọng xu hướng giảm lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì. Bên cạnh đó, thu nhập của người tiêu dùng cải thiện giúp tỷ lệ nợ xấu tại các công ty cho vay tiêu dùng giảm sẽ kéo theo tín dụng tiêu dùng quay trở lại vào nửa cuối 2024. Dòng tiền từ tín dụng giải ngân cho tiêu dùng quay lại sẽ có tác động tích cực đến nhóm hàng hóa không thiết yếu (có thể đóng góp tới 30% doanh thu cho các công ty bán lẻ).
Minh An (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.