Để TP.HCM phát triển tương xứng với vị thế dẫn đầu về KT-XH của cả nước

Địa phương
02:56 PM 19/05/2023

Tối 18/5, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì cuộc họp để thông tin quá trình xây dựng những nội dung chính của dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về “Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM”.

Nghị quyết mới sẽ sớm đưa TP.HCM trở thành trung tâm tài chính

Theo ông Phan Văn Mãi, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 và 5 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội, TP tiếp tục phát huy vị trí đầu tàu của cả nước; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo; quy mô kinh tế tăng gấp 2,7 lần so năm 2010, GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi so với năm 2010, đạt hơn 6.200 USD/người; thu ngân sách của TP.HCM chiếm 27% tổng thu ngân sách cả nước; công tác giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe người dân, phát triển văn hóa, xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân TP.HCM từng bước được cải thiện và nâng cao.

TP.HCM kỳ vọng Nghị quyết 54/2017/QH14 được thay bằng Nghị quyết mới - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kỳ vọng, nếu Nghị quyết mới được Quốc hội thông qua sẽ thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM lên tầm cao mới.

Tuy nhiên qua tổng kết, nhiều nội dung triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14 còn chậm so với kế hoạch, hiệu quả chưa cao, do nguyên nhân chủ quan và khách quan, như: Nguyên nhân do các cơ chế, chính sách (CCCS) thí điểm cơ bản là những nội dung mới, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định. 

Ngoài ra, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14, TP.HCM dành năm đầu tiên xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị triển khai; đồng thời có 2 năm TP.HCM bị tác động nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 nên không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các CCCS của Nghị quyết.

Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 24/NQ/TW) của Bộ Chính trị xác định mục tiêu phát triển của TP.HCM đến năm 2030: "TP.HCM phải là TP văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc; trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các TP lớn trong khu vực châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng; nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới".

Nghị quyết 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 về phương hướng phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 31-NQ/TW) của Bộ Chính trị đã xác định TP.HCM có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với vùng Đông Nam Bộ và cả nước, mục tiêu đến năm 2030: "TP.HCM trở thành TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là TP dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số; trung tâm kinh tế, tài chính; thương mại, văn hóa, giáo dục, KHCN của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á".

Nghị quyết 81/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội về "Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" (Nghị quyết 81/2023/QH15), đã xác định: "Xây dựng, phát triển TP.HCM trở thành đô thị năng động, sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam Á, châu Á".

Nghị quyết mới sẽ khơi thông mọi nguồn lực của TP Hồ Chí Minh

Để đạt được các mục tiêu đề ra tại các Nghị quyết nêu trên, đòi hỏi phải có một Nghị quyết mới của Quốc hội thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 nhằm tạo điều kiện cho TP.HCM khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của TP.HCM để tương xứng với vị trí đầu tàu về KT-XH của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Đồng thời, Nghị quyết 76/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội đã quy định ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14.

Vì vậy, việc ban hành một Nghị quyết mới về CCCS đặc thù phát triển TP.HCM thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 nhằm thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển đã nêu trong Nghị quyết 24-NQ/TW, Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 81/2023/QH15 của Quốc hội đề ra là cần thiết.    

Về quan điểm, theo ông Phan Văn Mãi khi xây dựng Nghị quyết mới, trong đó có xây dựng CCCS không phải chỉ riêng cho TP.HCM mà còn tạo điều kiện cho TP.HCM phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước. Cho phép tiếp tục áp dụng các CCCS thực hiện đạt kết quả tại Nghị quyết 54/2017/QH14; bổ sung các CCCS phù hợp đang được thí điểm tại một số địa phương và một số CCCS có trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến trình Quốc hội thời gian tới. Việc ban hành các chính sách mới phải bảo đảm sự ổn định và tạo động lực cho phát triển KT-XH của TP.

Quy định CCCS đặc thù cho TP.HCM phải có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước, trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để tập trung phát triển nhanh kết cấu hạ tầng KT-XH, từng bước giải quyết các thách thức trong giai đoạn phát triển mới.

Việc ban hành các chính sách mới phải được đồng thuận của người dân và doanh nghiệp; bảo đảm sự ổn định và tạo động lực cho sự phát triển KT-XH, không ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Tăng cường phân cấp, ủy quyền cho TP và gắn chính quyền TP với quận, huyện, TP trực thuộc nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của TP. Thực hiện phân cấp, ủy quyền tối đa cho TP theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho TP phát triển theo nguyên tắc phân cấp, ủy quyền theo hướng phân cấp 1 cấp, đồng thời bảo đảm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp của TP.HCM và có cơ chế kiểm soát quyền lực, thực hiện công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Khi được thông qua, Nghị quyết mới sẽ thực hiện trong năm 2023

Trên cơ sở tiếp thu góp ý của các Bộ, ngành, chỉ đạo của Chính phủ, kết luận của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội. Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và TP.HCM đã cơ bản hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 thể hiện trên một số khía cạnh: Nội dung các quy định trong dự thảo phù hợp với định hướng phát triển tại Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 81 của Quốc hội.

Dự thảo Nghị quyết gồm 12 điều, trong đó 7 điều quy định 44 CCCS khá toàn diện trên 7 lĩnh vực, cụ thể: Quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý KHCN, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP.HCM; tổ chức bộ máy TP Thủ Đức…

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng chia sẻ về kế hoạch của TP.HCM sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết. Theo đó, TP.HCM sẽ phối hợp các Bộ, ngành Trung ương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành những CCCS mà Nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ quy định theo hướng Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ trong quý III/2023.

Đối với những CCCS mà Quốc hội cho phép TP.HCM áp dụng, UBND TP.HCM sẽ báo cáo Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM trình Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM ban hành chương trình hành động thực hiện ngay trong tháng 7/2023.

UBND TP.HCM đang xây dựng kế hoạch triển khai chuẩn bị thực hiện thí điểm một số CCCS đặc thù phát triển TP, dự kiến ban hành vào đúng dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh Bác Hồ (19/5/1890-19/5/2023) với 40 nội dung, đầu việc. Trong đó sẽ trình HĐND TP.HCM thông qua 7 nội dung tại kỳ họp tháng 7/2023; đối với 33 nội dung, đầu việc còn lại sẽ tiếp tục chuẩn bị thật kỹ để trình cấp có thẩm quyền thông qua, triển khai trong quý IV/2023.

Lê Hải - Hoàng An
Ý kiến của bạn
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.