Để Việt Nam trở thành điểm đến của giới siêu giàu
Việt Nam có nhiều tiềm năng thu hút nhóm khách hàng siêu giàu. Tuy nhiên lượng khách này đến Việt Nam chi tiêu cao, lưu trú dài ngày vẫn còn khá khiêm tốn. Do đó, cần phải tìm ra được sản phẩm du lịch cho khách du lịch cao cấp đến Việt Nam.
Việt Nam dần trở thành điểm hẹn du lịch của giới siêu giàu
Những năm gần đây định vị thương hiệu du lịch Việt đang dần thay đổi từ du lịch giá rẻ sang điểm đến đẳng cấp, chất lượng. Nhiều tỷ phú, du khách có mức chi tiêu cao lựa chọn để tổ chức các sự kiện trọng đại.
Du lịch cũng đang dần phục hồi và có những bước tiến cả về chất và lượng. Theo thống kê, hoạt động du lịch 9 tháng của năm 2024 chúng ta đã đón được 12,7 triệu khách du lịch quốc tế, tăng 43% so với cùng kỳ. Việt Nam đang tiến rất gần đến mục tiêu 17-18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024.
Trong số đó, có những khách là triệu phú, tỷ phú đến Việt Nam. Khách du lịch xa xỉ thường chú trọng an ninh, an toàn nên Việt Nam, với nền chính trị và xã hội ổn định, là điểm đến được ưu tiên. Bằng chứng là Tháng 3/2024, tỷ phú Bill Gates và bạn gái có chuyến du lịch bằng chuyên cơ riêng đến Đà Nẵng. Gần đây nhất, cuối tháng 8/2024, tỷ phú ngành dược của Ấn Độ đã lựa chọn Hà Nội, Hạ Long (Quảng Ninh), Ninh Bình là nơi dành trọn kỷ nghỉ cho 4.500 nhân viên của mình.
Còn vài năm trở lại đây, nhiều ngôi sao, tỷ phú, doanh nhân tầm cỡ quốc tế đã lựa chọn các trải nghiệm du lịch riêng tư tại Việt Nam. Như khu nghỉ dưỡng P’apiu resort (Hà Giang) cũng đã đón ba đoàn khách siêu giàu, trong đó đoàn đầu tiên là một cặp đôi tỷ phú Mỹ (tháng 12/2022), tiếp theo là cặp đôi vợ chồng tỷ phú Thái Lan (tháng 9/2023) và đoàn khách các thiếu gia Mỹ (tháng 12/2023)...
Sắp tới, vào tháng 1/2025, lễ hội "Nghệ thuật vì khí hậu - Vịnh Hạ Long 2025" được tổ chức tại Vịnh Hạ Long, với sự tham dự của hơn 200 tỷ phú châu Âu, từng tham gia các sự kiện “Nghệ thuật vì khí hậu” trước đó dự kiến sẽ có mặt, cùng với sự góp mặt của các tỷ phú châu Á, nhiều người trong số họ chưa từng đến Việt Nam trước đây. Điểm nhấn của chuỗi sự kiện là rất nhiều tỷ phú dự kiến sẽ đến Vịnh Hạ Long bằng siêu du thuyền.
Tìm giải pháp thu hút khách du lịch cao cấp đến Việt Nam
Dù không nhiều, nhưng số lượng doanh nghiệp du lịch hướng tới phục vụ nhóm khách siêu giàu đang dần gia tăng. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là làm sao để tiếp cận nhóm khách hàng “chịu chi” nhưng không bao giờ ra mặt trục tiếp này. Chưa kể, nhóm du khách này dùng các dịch vụ và trải nghiệm giúp họ thể hiện sự giàu có và sang trọng như nghỉ ở khu nghỉ dưỡng 5 sao, đi máy bay hạng thương gia hoặc chuyên cơ, ưa thích các dịch vụ cao cấp, sang trọng và độc đáo.
Do đó, cần phải tìm ra được sản phẩm du lịch cho khách du lịch cao cấp đến Việt Nam.
Thực tế, sản phẩm dịch vụ cao cấp không thể thiếu chất lượng dịch vụ cung ứng, và sự tỉ mỉ trong sắp xếp và chuẩn bị dịch vụ một cách thực sự chu đáo. Tất cả để du khách có thể cảm nhận sự khác biệt và sản phẩm chạm tới cảm xúc của khách hàng.
Tại Hội thảo "Sản phẩm nào cho khách du lịch cao cấp đến Việt Nam năm 2024", bà Ngô Thị Hương, Phó Tổng giám đốc Kinh doanh và Marketing của Vinpearl, cho rằng điều quan trọng nhất trong xây dựng sản phẩm cao cấp là hiểu khách hàng, xác định họ là ai, họ muốn gì.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel Group, sản phẩm du lịch cao cấp ngoài cơ sở hạ tầng, dịch vụ ở mức cao nhất thì sản phẩm du lịch cao cấp bản chất cuối cùng là phải để lại ấn tượng gì cho khách, một chuyến đi đáng nhớ, một kỷ niệm sâu sắc không thể quên hay một cảm nhận bất ngờ dành cho du khách… để du khách bỏ chi tiêu một cách xứng đáng.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, du lịch cao cấp không thể thiếu được chất lượng của hệ thống dịch vụ cung ứng nhưng cũng không thể thiếu sự chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ, kỹ lưỡng và có những nét độc đáo, cảm xúc dành cho du khách. Du lịch cao cấp là cùng triển khai "GO GREEN", giảm rác thải, phải làm du lịch "xanh" trước làm du lịch cao cấp, phải hướng về môi trường, hướng đến nhu cầu an toàn của du khách.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia nhấn mạnh, để phát triển du lịch cao cấp thì vai trò của doanh nghiệp và địa phương là quan trọng trong liên kết sản phẩm, hoàn thiện các quy trình, tiêu chuẩn mang tính phục vụ cao, hình thành hệ sinh thái cung cấp dịch vụ sản phẩm cao cấp cho khách du lịch. Song hành với việc có những sản phẩm độc đáo thì giá cả phải ở mức độ phù hợp để tạo thế cạnh tranh. Từ đó bảo đảm phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường, đây là yếu tố quan trọng cần ưu tiên thực hiện để khẳng định vị trí của du lịch Việt Nam là điểm đến du lịch cao cấp, có chất lượng.
Minh AnNgày 15/1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”.