Đề xuất 2 mức thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất 2 mức thu phí đối với đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, trong đó thấp nhất là 900 đồng/km, cao nhất 5.200 đồng/km.
Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đường bộ 2024 về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc.
Theo dự thảo, Bộ GTVT dự kiến thu phí 10 tuyến cao tốc: Hà Nội - Thái Nguyên, TP.HCM - Trung Lương, Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Mức phí sử dụng đường cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT được đề xuất 2 mức:
Mức phí đối với đường cao tốc có 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục (mức 1) từ 1.300 - 5.200 đồng/km tùy từng nhóm xe.
Mức phí đối với đường cao tốc 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp chạy liên tục (mức 2 ) từ 900 - 3.600 đồng/km tùy từng nhóm xe.
Với đường cao tốc do UBND cấp tỉnh quản lý, khai thác, mức phí sử dụng đường cao tốc do hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định.
Thời điểm thu phí, tuyến đường thu phí , mức thu phí được xác định cụ thể tại đề án khai thác tài sản đối với đường cao tốc được thu khi cấp thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, Bộ GTVT đề xuất miễn thu phí đối với các xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh, tuần tra cảnh sát giao thông, xe chuyên dùng phục vụ tang lễ...
Với mức phí đề xuất như đã nêu trên, đơn vị quản lý (thu) được để lại 0,2% (trên số tiền phí thực thu) để trang trải chi phí quản lý hoạt động thu phí sử dụng đường bộ. Toàn bộ số tiền phí thu còn lại sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước để chi cho công tác xây dựng, nâng cấp, cải tạo, quản lý, vận hành, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định.
Cụ thể, dự kiến sau khi triển khai thu phí đối với 10 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư đang khai thác, dự kiến số phí thu được là 3.210 tỉ đồng/năm; số thu nộp ngân sách nhà nước là 2.850 tỉ đồng/năm.
Bộ GTVT cho biết, việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ tạo nguồn thu ngân sách nhà nước khi huy động kịp thời, hợp lý nguồn lực từ người sử dụng đường cao tốc, góp phần tạo nguồn kinh phí để đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc, chi thực hiện công tác quản lý, bảo trì. Số tiền thu được, sau khi trừ các chi phí tổ chức thu phí sẽ được nộp về ngân sách nhà nước và được sử dụng theo quy định của Luật Ngân sách.
Dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 12 điều. Trong đó, chương 3 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường cao tốc; đồng thời, quy định việc quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ cao tốc trong 2 trường hợp đó là: Đơn vị quản lý thu là cơ quan quản lý đường bộ trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc và trường hợp chuyển nhượng quyền thu phí, nhượng quyền kinh doanh - quản lý tài sản tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc.
VNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.