Đề xuất áp thuế suất 0% với nước sạch phục vụ sinh hoạt

Chính sách
03:10 PM 17/04/2024

Các đại biểu cho rằng, nước sạch phục vụ sinh hoạt nên được áp dụng mức thuế suất 0% bởi đó là nhu cầu thiết yếu của người dân, thuộc lĩnh vực an sinh xã hội cần được ưu tiên.

Taị hội thảo góp ý Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) chiều 16/4, luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị sửa đổi quy định tại Điều 9 “nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt không bao gồm các loại nước uống đóng chai, đóng bình và các loại nước giải khát chịu mức thuế 5%”.

Đề xuất áp thuế suất 0% với nước sạch phục vụ sinh hoạt- Ảnh 1.

Theo bà Hòa, nước sạch phục vụ sinh hoạt nên được áp dụng mức thuế suất 0% bởi đó là nhu cầu thiết yếu của người dân, thuộc lĩnh vực an sinh xã hội cần được ưu tiên và đặc biệt đảm bảo đúng theo Hiến pháp 2013 “Công dân có quyền được đảm bảo an sinh xã hội”.

Đồng quan điểm, Thượng tá Nguyễn Minh Tâm, Công an TP.HCM, cho rằng cần đưa nước sạch sinh hoạt ra khỏi danh sách chịu thuế để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân.

Ông dẫn chứng, hiện nay ngoài những TP lớn có điều kiện thì phần lớn người dân, nhất là người dân vùng nông thôn, vùng xa, vùng núi vẫn đang gặp khó khăn trong tiếp cận sử dụng nước sạch sinh hoạt.

Bên cạnh vấn đề nước sạch, Thượng tá Nguyễn Minh Tâm cũng đề nghị xem xét bỏ khoản 9, Điều 14 (quy định về việc loại trừ trách nhiệm hình sự của công chức thuế khi thực hiện công vụ hoàn thuế hoặc kiểm tra, thanh tra hoàn thuế). Theo ông, nội dung này không phù hợp với nội hàm của điều Luật về các trường hợp hoàn thuế.

Ngoài ra, Dự thảo Luật có nội dung về việc giao Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành tới quá nửa số điều luật, điều này sẽ tiềm ẩn nguy cơ chậm đưa Luật vào cuộc sống vì chờ phải hướng dẫn của Chính phủ.

Quan tâm đến điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng tại điểm b, khoản 2, Điều 13 (có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ: hàng hóa, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới năm triệu đồng), ông Nguyễn Văn Nguyện, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cần bỏ giới hạn điều kiện khấu trừ thuế (dưới 5 triệu đồng), vì xét ở góc độ quốc gia, việc chuyển từ thanh toán tiền mặt sang không tiền mặt là một bước tiến bộ lớn, góp phần tăng trưởng kinh tế. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng là cơ hội rất tốt để luật hóa thay vì chỉ khuyến khích thực hiện chủ trương hạn chế sử dụng tiền mặt, góp phần tạo sự minh bạch trong quản lý tài chính, kinh tế quốc gia.

Đồng thời, ông Nguyễn Văn Nguyện đề nghị bổ sung thêm đối tượng không chịu thuế bao gồm “hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ mang tính trợ giúp cộng đồng, hỗ trợ người yếu thế, thực hiện an sinh xã hội, phi lợi nhuận; dịch vụ cung ứng nền tảng thanh toán của các tổ chức trung gian thanh toán”. Những hoạt động nói trên không mang giá trị tăng thêm, chỉ giúp lưu thông hàng hóa, dịch vụ đến các đối tượng yếu thế và cung ứng dịch vụ mang tính luân chuyển tiền, cùng các tổ chức tính dụng hình thành kênh thanh toán không dùng tiền mặt đa dạng cho nền kinh tế.

Luật Thuế giá trị gia tăng được thông qua ngày 3/6/2008 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009. Sau 15 năm thi hành, một số quy định trong luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 7 tới đây (5/2024).

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn