Đề xuất bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua bán vàng

Chính sách
08:19 AM 04/05/2024

Cơ quan thuế kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt với các giao dịch mua bán vàng.

Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nhu cầu tiêu thụ vàng, như năm 2023 khoảng 55,5 tấn, theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới. Nhưng các giao dịch mua bán vàng, bạc thường nhỏ lẻ, không đủ hóa đơn, chứng từ, thiếu tính minh bạch, chênh lệch giá trong nước và thế giới cao.

Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian qua, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát xuất hóa đơn điện tử trong thực hiện các giao dịch mua, bán vàng.

Trong đó, giải pháp đáng chú ý là rà soát các cơ sở kinh doanh vàng đủ điều kiện để thực hiện áp dụng giải pháp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền. Tổng cục thuế khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ, qua đó tạo thói quen tiêu dùng văn minh, góp phần bảo vệ quyền lợi khi mua hàng.

Đề xuất bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua bán vàng- Ảnh 1.

Tổng cục Thuế kiến nghị bắt buộc thanh toán không tiền mặt khi mua bán vàng. Ảnh: Internet

Theo Tổng cục Thuế, từ ngày 1/7/2022, hóa đơn điện tử đã được triển khai trên toàn quốc đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Theo đó, 100% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh kinh doanh vàng bạc đã sử dụng hoá đơn điện tử.

Sau hơn một năm triển khai trên toàn quốc đã có 53.425 cơ sở kinh doanh áp dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, trong đó có 5.835 cơ sở kinh doanh vàng, bạc đã thực hiện áp dụng và sử dụng trên 1,065 triệu hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Để tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương trong công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh vàng, ngoài các giải pháp của ngành thuế, Tổng cục Thuế kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng, đồng thời quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch này.

Một giải pháp nữa mà ngành thuế đã thực hiện là phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh bán hàng hóa dịch vụ nhưng không xuất hóa đơn điện tử, trong đó có các cơ sở kinh doanh vàng.

Đồng thời, Tổng cục Thuế cũng kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương triển khai các chuyên đề rà soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh vàng bán hàng không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua; tổ chức giám sát, kiểm tra việc duy trì, chấp hành của các cơ sở kinh doanh vàng đã áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Trước đó vào ngày 12/4, Văn phòng Chính phủ cho biết đã ban hành Thông báo số 160/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giám sát, quản lý, điều hành thị trường vàng, nhất là việc cương quyết phải có hóa đơn điện tử trong việc thực hiện các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, cải thiện hiệu quả giám sát, điều hành, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Xử lý thu hồi ngay giấy phép hoạt động đối với doanh nghiệp không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.

Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ tác động, tổng kết đầy đủ việc thực hiện Nghị định 24 để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp, bảo đảm bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Những khó khăn của ngành cơ khí Việt Nam Những khó khăn của ngành cơ khí Việt Nam

Cơ khí là ngành có những đặc thù riêng, đòi hỏi vốn đầu tư, nguồn nhân lực, kỹ thuật rất cao. Hiện công nghiệp cơ khí Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, cần thiết phải có sự “nâng đỡ” về chính sách của các bộ, ngành và Nhà nước trong việc tạo thị trường, liên kết và nâng cao công nghệ cho doanh nghiệp...