Đề xuất bổ sung 3 nhóm hàng hóa không được áp dụng thuế GTGT 0%

Chính sách
09:21 AM 11/01/2024

Bộ Tài chính đề xuất bổ sung 03 nhóm hàng hóa không được áp dụng thuế GTGT 0% gồm: Thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó xuất khẩu; xe ô tô bán cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho cá nhân không đăng ký kinh doanh trong khu phi thuế quan.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Theo đó, đề xuất nhiều quy định mới về đối tượng áp dụng thuế suất 0% và đối tượng áp dụng thuế suất 5%.

Dự thảo bổ sung quy định cụ thể tên các dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) 0% như sau: Dịch vụ xuất khẩu là dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, gồm: Dịch vụ cho thuê phương tiện vận tải được sử dụng ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam; Dịch vụ vận tải quốc tế; Dịch vụ của ngành hàng không, hàng hải cung ứng trực tiếp cho vận tải quốc tế.

Bổ sung quy định "hàng hóa đã bán tại khu vực cách ly cho cá nhân (người nước ngoài hoặc người Việt Nam) đã làm thủ tục xuất cảnh" và "hàng hóa đã bán tại cửa hàng miễn thuế" thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%. 

Bổ sung quy định giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục, hồ sơ và điều kiện áp dụng thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

Đề xuất bổ sung 3 nhóm hàng hóa không được áp dụng thuế GTGT 0%- Ảnh 1.

Dự thảo bổ sung quy định cụ thể 03 nhóm hàng hóa không được áp dụng thuế suất 0% để Luật hóa các quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật (Nghị định, Thông tư) gồm:

+ Thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó xuất khẩu

+ Xăng, dầu mua tại nội địa bán cho xe ô tô của cơ sở kinh doanh trong khu phi thuế quan; xe ô tô bán cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan.

+ Hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho cá nhân không đăng ký kinh doanh trong khu phi thuế quan.

Bổ sung quy định không được áp dụng thuế suất 0% đối với sản phẩm, dịch vụ cung cấp trên các nền tảng số theo quy định của Chính phủ để đảm bảo tính linh hoạt cho việc xác định sản phẩm, dịch vụ này được tiêu dùng tại Việt Nam hay ở nước ngoài tại thời điểm cung cấp. Việc xác định địa điểm tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ cung cấp trên các nền tảng số là rất phức tạp, hiện nay đều chỉ căn cứ theo kê khai của người nộp thuế.

Dự thảo bổ sung quy định để Luật hóa một số quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật (Nghị định, Thông tư) gồm:

Không áp dụng thuế suất 5% đối với các loại nước uống đóng chai, đóng bình và các loại nước giải khát khác.

Quy định thuốc bảo vệ thực vật thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%.

Bỏ quy định "thực phẩm tươi sống" thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% để thực hiện thống nhất theo quy định tại khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật về đối tượng không chịu thuế GTGT đối với sản phẩm chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác, chỉ qua sơ chế thông thường.

Bỏ quy định "lâm sản chưa qua chế biến" thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% (sang áp dụng mức thuế suất 10%) để thu gọn đối tượng chịu thuế GTGT 5% cũng như hạn chế khai thác rừng tự nhiên.

Bỏ quy định mặt hàng "đường; phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn" thuộc đối tượng áp dụng thuế suất GTGT 5% (sang áp dụng thuế suất GTGT 10%).

Bỏ quy định "các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học" thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% (sang áp dụng mức thuế suất 10%).

Bỏ quy định "Hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim" thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% (sang áp dụng mức thuế suất 10%).

Với các nội dung sửa đổi, bổ sung theo đề xuất nêu trên, dự thảo Luật đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% (bỏ 10 hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% gồm: nhựa thông sơ chế; thực phẩm tươi sống; lâm sản chưa qua chế biến; đường; phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn; các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học; hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim).

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.