Đề xuất các giải pháp "hạ nhiệt" giá thức ăn chăn nuôi

Đầu tư và Tiếp thị
03:36 PM 02/08/2021

Theo Bộ Tài chính, từ tháng 10/2020 đến nay, giá các loại nguyên liệu chính cho chăn nuôi như ngô, lúa mỳ liên tục tăng cao với mức tăng trung bình từ 30 - 35%, kéo theo giá thức ăn chăn nuôi quý I/2021 tăng đáng kể so với quý IV/2020 và có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Trước đà tăng giá chưa có hồi kết của thức ăn chăn nuôi, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã có công văn gửi cơ quan chức năng kiến nghị giảm 50% thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Đề xuất các giải pháp "hạ nhiệt" giá thức ăn chăn nuôi - Ảnh 1.

Thức ăn chăn nuôi tăng mạnh trong thời gian qua và sẽ tiếp tục kéo dài chưa có "hồi kết". Ảnh: Công Thương

Ngoài ra, Ủy ban Ngũ cốc Hoa Kỳ cũng có văn bản kiến nghị giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) đối với mặt hàng ngô và lúa mỳ xuống 0%. Tại cuộc họp cuối tháng 6/2021 với Bộ Tài chính, đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng đã đề nghị giảm thuế nhập khẩu  MFN đối với các mặt hàng này để giảm giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng lúa mỳ, mã HS 1001.99.99 từ 3% xuống 0%; giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng ngô, mã HS 1005.90.90 từ 5% xuống 3% nhằm góp phần giảm giá đầu vào với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Chia sẻ với báo chí, ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, trong thời điểm khó khăn hiện nay, việc xem xét điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi như trên là giải pháp thiết thực nhất để hỗ trợ doanh nghiệp và ngành chăn nuôi trong nước.

Song các giải pháp này chưa thể ngay lập tức "hạ nhiệt" giá thức ăn chăn nuôi trong nước. Trong hai quý còn lại của năm 2021, nhiều thách thức, khó khăn vẫn "bủa vây" ngành chăn nuôi và giá nguyên liệu vẫn sẽ duy trì ở mức cao.

Ngay cả khi thuế nhập khẩu các loại nguyên liệu ngô, lúa mỳ được giảm theo đề nghị của Bộ Tài chính nhưng đây cũng chưa phải là cơ sở để kéo giá thức ăn chăn nuôi giảm nhanh, bởi đây chỉ là 2 trong các loại nguyên liệu đầu vào sản xuất của mặt hàng này.

Cần phải nói thêm rằng, nhóm nguyên liệu khác như đậu tương, dầu mỡ động - thực vật cũng đang phải nhập khẩu phần lớn. Năm 2020, nước ta nhập đậu tương với kim ngạch 674 triệu USD, tăng 14,8% so với 2019; nhập dầu mỡ động - thực vật với kim ngạch 734 triệu USD, tăng 24,9%; nhập thức ăn gia súc và nguyên liệu với kim ngạch 3,702 tỷ USD, tăng 3,7%...

Song song với biện pháp giảm thuế nhập khẩu, giải pháp được Cục Chăn nuôi khuyến cáo các doanh nghiệp trong giai đoạn này là cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước như khô dầu, hạt điều, cám điều, bã sắn, cám gạo... nhằm thay thế nguồn nhập khẩu để chế biến thức ăn chăn nuôi.

Hoài Thương (t/h)
Ý kiến của bạn
Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai

Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.