Đề xuất cấm mua bán thuốc qua mạng xã hội
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược cấm kinh doanh thuốc trên các nền tảng mạng xã hội nhưng cho phép kinh doanh qua sàn thương mại điện tử.
Chiều 18/6, tại chương trình kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay, Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) dự kiến sửa đổi 44 điều/116 điều của Luật hiện hành; nội dung sửa đổi, bổ sung thuộc quy định của 11/14 chương. Tại lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất nhiều chính sách mới: quy định kinh doanh dược phẩm thông qua sàn thương mại điện tử, ứng dụng mua hàng online; cấm kinh doanh trên mạng xã hội; quy định mới về chứng chỉ hành nghề dược; quản lý giá dược phẩm; quản lý “oxy y tế”…
Đáng chú ý, một trong những điểm mới của dự thảo luật, đó là cho phép loại hình kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử.
Theo quy định tại dự thảo luật Dược (sửa đổi), cơ sở kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử có các trách nhiệm tuân thủ theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, pháp luật về quảng cáo và pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng; phải bảo đảm bảo mật thông tin của người mua theo quy định của pháp luật về an ninh mạng.
Đặc biệt, dự thảo nghiêm cấm hình thức kinh doanh thuốc trên mạng xã hội và các hình thức kinh doanh điện tử khác ngoài các hình thức quy định tại luật này.
Thẩm tra về nội dung trên, Ủy ban Xã hội của Quốc hội ủng hộ việc luật hóa quy định kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử. Điều này là cần thiết, nhằm điều chỉnh vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn và còn khoảng trống pháp lý.
Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội cho rằng dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn nữa về các loại thuốc, nhất là các thuốc được phép bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử, các phương tiện kinh doanh thương mại điện tử, đối tượng được tham gia mua, bán, cách thức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc (đặc biệt là trách nhiệm của người phụ trách chuyên môn đối với việc bán thuốc trên môi trường điện tử).
Thương mại điện tử đã trở thành một phương thức không thể thiếu trong các hoạt động kinh doanh, trong đó có kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hiện các hoạt động này đang thực hiện theo quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản liên quan.
Tuy nhiên, trong chuỗi các hoạt động kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, từ sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu đến bán buôn, bán lẻ, thì trong hoạt động bán lẻ là có sự hiểu biết khác nhau về thuốc giữa người bán và người mua, thậm chí có khác biệt giữa người bán thuốc và người kê đơn thuốc, cần có quy định đặc thù để điều chỉnh, quản lý nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân. Do đó, một số ý kiến cho rằng, dự thảo luật chỉ nên tập trung quy định hoạt động bán lẻ thuốc theo phương thức thương mại điện tử để bảo vệ người tiêu dùng.
Ủy ban xã hội cũng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu chế tài xử lý nghiêm các hình thức quảng cáo thuốc sai sự thật, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng hoặc những hành vi vi phạm về quảng cáo các sản phẩm không phải là thuốc nhưng nội dung được quảng cáo như thuốc chữa bệnh trên các kênh truyền thông, nền tảng mạng xã hội. Việc này nhằm bảo đảm quyền lợi và sức khỏe của người dân.
An Mai (t/h)Theo số liệu thống kê được Tổng cục Hải quan công bố, từ đầu năm đến 15/11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 681,48 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 352,38 tỷ USD và nhập khẩu đạt 329,1 tỷ USD.