Đề xuất cấp chứng nhận F0 và F0 khỏi bệnh như 1 dịch vụ công trực tuyến

Xã hội
05:37 PM 17/03/2022

Mới đây, Bộ TT&TT đã đề nghị Bộ Y tế cân nhắc việc coi chứng nhận F0 và F0 khỏi bệnh như một dịch vụ công trực tuyến và thực hiện như cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Đề cập đến vấn đề cấp chứng nhận người nhiễm COVID-19 và người nhiễm COVID-19 đã khỏi bệnh, trong văn bản gửi Bộ Y tế mới đây, Bộ TT&TT nhận định: Việc nhiều người nhiễm COVID-19 (F0) thực hiện tự điều trị tại nhà đã phần nào giúp giảm gánh nặng cho các cơ sở y tế ở khía cạnh điều trị, nhưng lại đang tạo ra một áp lực khác, đó là chứng nhận F0 và F0 khỏi bệnh.

Số lượng F0 quá đông trong khi lực lượng cán bộ y tế mỏng, khiến nhiều cơ sở y tế xảy ra hiện tượng quá tải, đồng thời gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng. Điều này khiến một bộ phận người dân sau khi phát hiện nhiễm COVID-19 qua tự xét nghiệm nhanh đã cách ly tại nhà mà không khai báo với chính quyền hoặc cơ quan y tế.

Bộ TT&TT đề xuất cấp chứng nhận F0 và F0 khỏi bệnh như 1 dịch vụ công trực tuyến - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Trước thực trạng này, Bộ TT&TT đề nghị Bộ Y tế sớm nghiên cứu và đề xuất phương án hiệu quả trong quy trình thủ tục chứng nhận F0.

Đáng chú ý, Bộ TT&TT đề nghị Bộ Y tế cân nhắc việc coi chứng nhận F0 và F0 khỏi bệnh như một dịch vụ công trực tuyến và thực hiện như cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Theo Bộ TT&TT việc này sẽ giúp tạo thuận lợi cho người dân.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng đã nghiên cứu và chỉ đạo các đơn vị phát triển phần mềm quản lý ca bệnh COVID-19 và đề nghị Bộ Y tế xem xét, đánh giá áp dụng. Thực tế, một số địa phương, trong thời gian qua, đã áp dụng phần mềm và bước đầu cho thấy hiệu quả nhất định.

Hiện nay, số ca nhiễm COVID-19 trên cả nước đang tăng nhanh, đặc biệt là tại Hà Nội với số ca F0 ghi nhận được hằng ngày đã vượt ngưỡng 25.000 ca. Việc chứng nhận F0 và F0 khỏi bệnh một mặt giúp người lao động được hưởng các chế độ và quyền lợi theo quy định; đồng thời, sẽ giúp các cơ quan y tế thực hiện tốt công tác quản lý, thống kê số lượng ca nhiễm một cách chính xác; từ đó phục vụ việc phân tích, dự báo xu hướng dịch bệnh.

Trước đó, chiều 10/3, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến với Ban chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Để thực hiện tốt công tác quản lý bệnh nhân F0 tại nhà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thủ tục hành chính quản lý F0 tại nhà. Theo đó, Sở Y tế chủ trì phối hợp với Bảo hiểm Xã hội và Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương giải quyết về vấn đề hạ tầng, cần thiết huy động sự hỗ trợ của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn thành phố...

Đáng chú ý, liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc được hưởng bảo hiểm cho người lao động bị nhiễm COVID-19, đại diện Bảo hiểm xã hội thành phố cho biết, đơn vị đang phối hợp với Sở TT&TT xây dựng phần mềm cho nội dung này. Hiện, phần mềm đang tiếp tục hoàn thiện và sẽ được thực hiện thí điểm trong thời gian tới.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.