Đề xuất cho Hà Nội "cơ chế thử nghiệm có kiểm soát" để tạo đột phá cho Thủ đô

Chính sách
08:51 AM 27/03/2024

Một trong những vấn đề lớn được xin ý kiến hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách về dự án Luật Thủ đô sửa đổi là về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là một nội dung mới được nêu trong dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi. Dự thảo nêu rõ thử nghiệm có kiểm soát là việc thử nghiệm công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo trong điều kiện thực tế, với phạm vi được giới hạn, dưới sự kiểm soát đặc biệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Đề xuất cho Hà Nội "cơ chế thử nghiệm có kiểm soát" để  tạo đột phá cho Thủ đô- Ảnh 1.

Đề xuất cho Hà Nội "cơ chế thử nghiệm có kiểm soát" để tạo đột phá cho Thủ đô. Ảnh: VietNamnet

Lĩnh vực công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới được đề xuất thử nghiệm phải có khả năng mang lại giá trị và hiệu quả cao về kinh tế - xã hội mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc quy định hiện hành của pháp luật không còn phù hợp.

Quy định này nhằm khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo và làm cơ sở để cơ quan Nhà nước xem xét, đánh giá các rủi ro có thể phát sinh trước khi quyết định đưa vào ứng dụng chính thức.

Thời hạn thực hiện thử nghiệm có kiểm soát tối đa là 3 năm và có thể được gia hạn 1 lần không quá 3 năm.

HĐND TP Hà Nội có quyền quyết định cho miễn trừ áp dụng một số quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng, thông tư của bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi giới hạn thử nghiệm phù hợp với yêu cầu, mục đích thử nghiệm.

Do cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là mô hình mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện quy định này. 

Riêng về phạm vi các nội dung có thể được áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, có ý kiến đề nghị nên giới hạn cụ thể hơn.

Cơ quan thẩm tra dự án Luật cho rằng, quy định như vậy là phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo cơ sở để thành phố Hà Nội có thể thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai trên thực tế các giải pháp công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo, đưa Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành một trong các trung tâm đi đầu về đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực.


An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn