Đề xuất chuyển 11 doanh nghiệp sang Ủy ban Quản lý vốn và SCIC

Chính sách
09:24 AM 24/08/2023

11 doanh nghiệp doanh thu nhiều nghìn tỷ đồng thuộc Bộ Công Thương quản lý được đề xuất chuyển nguyên trạng về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và SCIC.

Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Chính phủ về việc giám sát tình hình thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Bộ Công Thương cho biết, trên cơ sở quyết định của Thủ tướng về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn, Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch triển khai, kế hoạch cơ cấu lại doanh nghiệp do bộ làm đại diện chủ sở hữu.

Đồng thời, bộ này đề xuất bàn giao đồng thời và nguyên trạng tất cả các doanh nghiệp do Bộ đang làm đại diện chủ sở hữu sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và SCIC giai đoạn 2022-2025.

Bộ Công Thương cho rằng, việc này nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp tốt thì nhận bàn giao, doanh nghiệp không tốt thì không nhận và làm ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước.

Đề xuất chuyển 11 doanh nghiệp sang Ủy ban Quản lý vốn và SCIC - Ảnh 1.

Habeco là một trong những doanh nghiệp được đề xuất. Ảnh: Kinh tế Đô thị

Các doanh nghiệp đề xuất chuyển giao gồm: Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM); Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco); Tổng công ty Giấy Việt Nam; Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE); Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam; Công ty cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu tổng hợp; Công ty cổ phần Nông thổ sản Việt Nam; Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp và Vật liệu xây dựng; Công ty TNHH MTV Xây lắp thương mại và Vật liệu xây dựng BMC; Công ty cổ phần Viện nghiên cứu dệt may; Công ty cổ phận Viện máy và Dụng cụ công nghiệp IMI.

Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, trong số 11 doanh nghiệp trên có nhiều đơn vị đạt doanh thu, lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng/năm. Điển hình trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của VEAM là 6.170 tỷ đồng; Habeco là 2.078 tỷ đồng; MIE là 584 tỷ đồng; Tổng Công ty CP Xây dựng công nghiệp Việt Nam là 4.675 tỷ đồng...

“Ngoài việc đôn đốc các doanh nghiệp lập phương án sắp xếp các cơ sở nhà đất theo quy định, Bộ Công Thương cũng thực hiện quyết toán cổ phần hóa với các đơn vị chưa quyết toán khi chuyển sang công ty cổ phần” - Bộ Công Thương cho hay.

Đồng thời cho biết, hiện có 3 doanh nghiệp chưa thực hiện quyết toán cổ phần hóa gồm Tổng Công ty Thép (VNSteel), Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM), Tổng Công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE) do còn tồn tại khó khăn, vướng mắc.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Tổng công ty Máy động lực và Máy Nông nghiệp (VEAM) vẫn giữ được phong độ trong năm 2022. Tổng doanh thu của VEAM năm qua đạt 6.455 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của tổng công ty đạt 533 tỷ đồng. Số còn lại hơn 5.918 tỷ đồng doanh thu đến từ hoạt động tài chính (chiếm 91,68% tổng doanh thu). Tổng lợi nhuận sau thuế của VEAM lên tới 5.624 tỷ đồng, vượt kế hoạch 25%.

Theo báo cáo, đến ngày 31/12/2022, tổng khoản mục phải thu của VEAM là 3.487,5 tỷ đồng, trong đó nợ phải thu cổ tức của Công ty Honda là 2.189,9 tỷ đồng, lãi dự thu tiền gửi ngân hàng là 437,4 tỷ đồng, còn lại là các khoản phải thu khác; đã bao gồm trích lập dự phòng phải thu khó đòi là 397,9 tỷ đồng.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Ngành gỗ ưu tiên yếu tố xanh cho xuất khẩu bền vững Ngành gỗ ưu tiên yếu tố xanh cho xuất khẩu bền vững

Năm 2025 ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 18 tỷ USD. Yếu tố xanh là yêu cầu tất yếu đối với ngành gỗ để đạt được mục tiêu đề ra và xuất khẩu bền vững.