Đề xuất COVID-19 là bệnh nghề nghiệp, được hưởng BHXH
Theo đề xuất của Bộ Y tế, những người thuộc 6 ngành, nghề bị mắc COVID-19 sẽ được lập hồ sơ bệnh nghề nghiệp, khám giám định và hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp của BHXH.
Bộ Y tế đang dự thảo thông tư bổ sung bệnh COVID-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội, trong đó đề xuất 6 nhóm ngành, nghề có nguy cơ lây nhiễm vào danh mục này…
Theo dự thảo, bệnh COVID-19 nghề nghiệp là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động.
Có 6 ngành, nghề thường xuyên phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 trong môi trường lao động được Bộ Y tế đề xuất bổ sung vào danh mục bệnh nghề nghiệp, gồm:
Người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế.
Người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu SARS-CoV-2.
Người làm nghề, công việc trong khu cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ chăm sóc người bệnh COVID-19 tại nhà.
Người làm nghề, công việc vận chuyển, phục vụ người bệnh COVID-19.
Người làm nghề, công việc vận chuyển, khâm liệm, bảo quản, hỏa táng, mai táng thi hài người bệnh COVID-19.
Người làm nghề, công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm SARS-CoV-2 gồm: Giám sát, điều tra, xác minh dịch; Nhân viên hải quan ngoại giao, nhân viên làm công tác xuất nhập cảnh; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng; Chiến sĩ, sĩ quan thuộc lực lượng công an; Người làm nghề, công việc khác được cử tham gia phòng chống dịch COVID-19.
Những trường hợp này có thời gian tiếp xúc tối thiểu (thời gian tiếp xúc ngắn nhất với yếu tố có hại trong quá trình lao động để có thể gây bệnh nghề nghiệp): một lần. Khoảng thời gian kể từ khi người lao động đã thôi tiếp xúc với yếu tố có hại đến thời điểm vẫn còn khả năng phát bệnh do yếu tố có hại đó là 28 ngày.
Theo đề xuất của Bộ Y tế, những người làm nghề trên được chẩn đoán xác định mắc bệnh COVID-19 trong thời gian từ ngày 1/2/2020 đến trước ngày thông tư này có hiệu lực được lập hồ sơ bệnh nghề nghiệp, khám giám định và được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo các quy định.
Lý giải việc đề xuất bổ sung bệnh COVID-19 nghề nghiệp vào Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội là hết sức cần thiết và cấp bách, Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Đình Trung, Trưởng Khoa bệnh nghề nghiệp, Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) cho biết bệnh COVID-19 hiện là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu; thường xuyên có biến thể mới, tốc độ lây lan rất cao trong xã hội, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch; tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp…
"Khi bệnh COVID-19 được bổ sung vào Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH các đối tượng được thụ hưởng chính sách này của Nhà nước họ yên tâm hơn trong công tác bởi vì đã được Nhà nước quan tâm, chăm lo tới sức khỏe, tính mạng của họ và như vậy họ sẽ không thoái thác nhiệm vụ, giúp cho Nhà nước chăm lo đời sống sức khỏe của người dân nói chung và trong các khu vực dịch bệnh được tốt hơn, giảm tỉ lệ tử vong do bệnh dịch, giúp đất nước phát triển"- ông Trung chia sẻ.
HM (T/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.