Đề xuất đầu tư 400 tỷ đồng bổ sung hệ thống tín hiệu tại 184 đường ngang
Bộ GTVT vừa báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc bổ sung hệ thống tín hiệu tại 184 đường ngang có gác.
Theo thống kê mới nhất từ Bộ Giao thông Vận tải, tính đến năm 2023, cả nước có hơn 5.700 đường ngang, trong đó chỉ khoảng 1.519 đường ngang được cấp phép hoạt động, trong khi tồn tại nhiều đường ngang tự mở không được trang bị hệ thống cảnh báo và đèn tín hiệu, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Trong báo cáo gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ Giao thông vận tải cho biết đã giao Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) rà soát, xác định danh mục các đường ngang cần thiết phải sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu để đảm bảo an toàn giao thông.
Qua rà soát, các đường ngang trùng lặp với các dự án đầu tư được thực hiện bằng các nguồn vốn khác, các đường ngang thuộc tuyến đường nhánh có tốc độ khai thác, mật độ chạy tàu và lưu lượng phương tiện đường bộ tham gia giao thông thấp đã được đưa ra khỏi danh mục.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng cập nhật bổ sung các đường ngang hiện tại đã được mở rộng còn thiếu tín hiệu, thiết bị xuống cấp, lạc hậu và có lưu lượng người, phương tiện đường bộ tham gia giao thông tăng cao, các đường ngang phát sinh đường nhánh, lối đi vào đường ngang có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông (thay thế các đường ngang đã đưa ra khỏi danh mục).
Do đó, nhằm đảm bảo an toàn giao thông, nâng cao hiệu quả đầu tư, tiết kiệm ngân sách Nhà nước, đảm bảo việc đi lại thuận lợi cho người dân, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất kế hoạch nâng cao an toàn giao thông tại 184 đường ngang có gác chắn. Kế hoạch này bao gồm bổ sung hệ thống tín hiệu và sửa chữa, với tổng ngân sách dự kiến 400 tỷ đồng. Trong đó, hơn 361,8 tỷ đồng sẽ dành cho việc cải thiện hệ thống tín hiệu ở 184 đường ngang, hơn 38 tỷ đồng sẽ được sử dụng để thanh toán và quyết toán cho các công trình đường ngang đã hoàn thành từ năm 2023 trở về trước.
Để thực hiện kế hoạch này và hoàn thành vào năm 2025, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị bố trí 50 tỷ đồng từ nguồn dự phòng chi hoạt động kinh tế ngân sách Trung ương năm 2024. Số tiền này sẽ được dùng để chuẩn bị đầu tư cho 184 đường ngang và thanh quyết toán các dự án đã hoàn thành từ năm 2023 trở về trước, đồng thời đảm bảo an toàn giao thông trên toàn quốc.
Đồng thời, năm 2025 bố trí bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh tế đường sắt là 350 tỷ đồng để thực hiện hoàn thành toàn bộ 566 đường ngang theo quy định.
Đường ngang là điểm giao nhau giữa đường bộ và đường sắt, nơi cả hai tuyến đường cùng nằm trên một mặt phẳng. Để bảo đảm an toàn tối đa cho người tham gia giao thông tại những điểm giao cắt này, đường ngang thường được trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn như biển báo, đèn tín hiệu và cần chắn. Những biện pháp này không chỉ giúp cảnh báo người đi đường mà còn ngăn ngừa nguy cơ tai nạn, đảm bảo sự thông suốt và an toàn cho cả hai loại phương tiện.
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.