Đề xuất đầu tư hơn 256.000 tỷ đồng phát triển văn hóa

Tài chính - Đầu tư
07:44 AM 03/11/2024

Chính phủ đã trình Quốc hội chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 với tổng nguồn lực hơn 256.000 tỷ đồng, thực hiện trong 11 năm.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Đề xuất đầu tư hơn 256.000 tỷ đồng phát triển văn hóa- Ảnh 1.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Chương trình thực hiện với quy mô cả nước, bao gồm tất cả các đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã, thôn; một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Thời gian thực hiện Chương trình trong 11 năm, từ năm 2025 - 2035, chia làm các giai đoạn: Năm 2025; 2026-2030 và 2031-2035. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng.

Trong đó vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 được bố trí tối thiểu 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%), bao gồm: Vốn đầu tư phát triển (50.000 tỷ đồng); vốn sự nghiệp (27.000 tỷ đồng).

Vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%); gồm: Vốn đầu tư phát triển là 18.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 12.250 tỷ đồng. Ngoài ra, vốn huy động hợp pháp khác khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%).

Còn trong giai đoạn 2031-2035, dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình là 134.000 tỷ đồng.

Tại hội trường, đa số các ĐBQH tán thành chủ trương đầu tư chương trình nhằm hướng tới phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả; nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa.

Một trong những mục tiêu cụ thể hướng đến của chương trình là "Phấn đấu đến năm 2030 có 95% di tích quốc gia đặc biệt (tương tương khoảng 127 di tích) và 70% di tích quốc gia (tương đương khoảng 2542 di tích) được tu bổ, tôn tạo và đến năm 2035 có 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia" được tu bổ, tôn tạo.

Tuy nhiên, một số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá kỹ quy mô, cơ cấu, khả năng huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện chương trình bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn lực quốc gia, sử dụng hiệu quả ngân sách.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhận định, nếu đặt mục tiêu như tờ trình là có phần khó khăn. Theo Bộ trưởng, để khả thi, bộ cũng rất cân nhắc ý kiến của cơ quan thẩm tra và dự kiến điều chỉnh lại theo hướng "Phấn đấu đến năm 2030, 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa". Như vậy, đây sẽ là mục tiêu phấn đấu, cố gắng và bỏ chữ "hiệu quả, thường xuyên" như tờ trình.

Tiếp thu, giải trình nội dung thảo luận chỉ tiêu về tu bổ, tôn tạo di tích, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, sẽ chỉ tu bổ, tôn tạo những di tích hư hỏng, xuống cấp, để đến năm 2035 có 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia xuống cấp được tu bổ, tôn tạo.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Hướng đến tương lai đô thị thông minh Hướng đến tương lai đô thị thông minh

Thành phố thông minh là một trong những xu thế phát triển chủ đạo của các đô thị trên thế giới cũng như trong khu vực. Việt Nam là một trong những quốc gia đón đầu xu hướng này, và đang có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính sách, môi trường đầu tư lẫn việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thực tế tại các tỉnh, thành.