Đề xuất điện mặt trời mái nhà dùng thừa được bán lên lưới quốc gia
Theo Bộ trưởng Công Thương, các nguồn điện mặt trời mái nhà có thể được liên kết và phát công suất dư thừa lên lưới điện quốc gia với mức giá theo thời điểm. Tức là người dân và doanh nghiệp có thể được trả tiền khi bán lượng điện dư thừa lên lưới điện quốc gia.
Thông tin trên nêu tại cuộc họp về dự thảo Nghị định quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, ngày 10/4.
Công suất điện mặt trời mái nhà tới cuối 2022 là khoảng 9.000 MW, giá bán 8,38 cent một kWh theo Quyết định 13/2020. Tuy nhiên, tới cuối tháng 7/2023, còn gần 400 MW nối với lưới điện chờ bổ sung vào quy hoạch. Số dự án này chưa được định đoạt số phận do thiếu cơ chế rõ ràng.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng loại điện này có thể được liên kết và bán phần điện dư lên lưới quốc gia với mức giá theo thời điểm. Tức là, người dân, doanh nghiệp có thể được trả tiền khi bán lượng điện dư thừa lên lưới.
Ngoài ra, Bộ trưởng Công Thương cũng đề nghị cho phép lắp đặt không cần theo Quy hoạch Điện VIII và hỗ trợ lãi suất khi đầu tư thiết bị lưu trữ điện.
Ông Đỗ Văn Năm, Thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực miền Bắc, cho hay các doanh nghiệp đang rất cần khuyến khích thủ tục, chính sách về nguồn điện này. Các kiến nghị giải pháp phát triển nguồn điện này là cần thẩm tra xác định độ an toàn của công trình; ban hành bộ hồ sơ mẫu, phân cấp cho địa phương và quy định rõ thời gian giải quyết…
Đồng tình với ý kiến này, ông Bùi Quốc Hoan, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam cho rằng cần khuyến khích doanh nghiệp trong khu công nghiệp lắp đặt thiết bị lưu trữ nguồn điện mặt trời mái nhà không sử dụng hết để chuyển thành nguồn điện nền sạch, sau đó phát lên lưới điện vào cao điểm buổi tối với mức giá phù hợp.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư điện mặt trời mái nhà là chủ trương nhất quán. Bởi, nguồn điện này góp phần bảo đảm an ninh năng lượng. Ông cũng chỉ rõ, đây nhiệm vụ cấp bách, giải pháp quan trọng nhằm huy động các nguồn lực xã hội vào thực hiện Quy hoạch Điện VIII.
Điện mặt trời mái nhà, điện gió ngoài khơi, điện sinh khối, điện rác..., bao gồm cả các dự án xuất khẩu điện mà không đưa lên lưới quốc gia, sản xuất hydro xanh, tự sản, tự tiêu... được ưu tiên phát triển trong điều kiện đáp ứng công nghệ, an toàn hệ thống, giá cả phù hợp. Phát triển điện mặt trời mái nhà là giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, quy hoạch đất đai dành cho năng lượng.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương xác định rõ các hình thức có và không kinh doanh điện mặt trời mái nhà. Từ đó, đưa ra cơ chế chính sách khuyến khích, quy định an toàn, phòng cháy, chữa cháy tương ứng.
Cụ thể, với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và không kinh doanh, cơ quan quản lý đưa ra hồ sơ mẫu, đơn giản tối đa thủ tục, trừ những công trình có yêu cầu đặc biệt về an toàn, phòng cháy, chữa cháy.
Còn những doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời mái nhà để sử dụng và lắp thêm thiết bị lưu trữ điện năng, cơ quan quản lý đưa ra mức giá hợp lý, phương án hỗ trợ tài chính, lãi suất, thuế.
Theo Quy hoạch điện VIII, điện mặt trời mái nhà dự kiến đạt công suất 2.600 MW vào 2030, để đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống điện.
Huyền My (t/h)Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.