Đề xuất gói hỗ trợ gần 27.600 tỉ đồng “cứu” doanh nghiệp và người lao động
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) vừa trình Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết về các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Theo Bộ LĐ-TBXH, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường lao động của cả nước có sự biến động mạnh. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý I/2021, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên. Trong đó, có 540 nghìn người bị mất việc; 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người bị cắt giảm giờ làm việc hoặc nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập…
Với xu hướng hiện nay, một số ngành, lĩnh vực như vận tải, hàng không, du lịch, nhà hàng… sẽ mất đi đà phục hồi của năm ngoái và chịu ảnh hưởng nặng nề hơn.
Đặc biệt, đợt dịch này đã và đang tác động mạnh vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một số lượng lớn lao động (khoảng 4 triệu người), có các DN lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách. Tính đến nay, tại Bắc Giang buộc phải tạm dừng đóng cửa 4 khu công nghiệp với 322 DN với tổng số gần 150 nghìn lao động tạm ngừng việc; Bắc Ninh có 42 nghìn lao động trên tổng số 320 nghìn lao động phải ngừng việc; Hải Phòng có hơn 30 nghìn lao động bị ảnh hưởng tiêu cực; tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… một số khu vực phong tỏa, giãn cách đã phải đóng cửa một số hoạt động sản xuất, kinh doanh không thiết yếu, làm ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu người lao động.
Theo tình hình hiện nay, trong thời gian tới có thể dịch bệnh tiếp tục tác động đến người lao động. Dự báo số lượng lao động bị ảnh hưởng (phải cách ly, bị ngừng việc do DN ngừng sản xuất, kinh doanh), có thể lên tới 2-2,5 triệu người.
Bộ LĐ-TBXH đánh giá, việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 là cần thiết và cấp bách, nhằm chia sẻ khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, giảm thiểu những tác động tiêu cực của dịch COVID-19; ổn định tình hình lao động, việc làm, duy trì mục tiêu vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Do đó, Bộ LĐ-TBXH đã đề xuất 7 nhóm chính sách cụ thể: Chính sách giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; Chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; Chính sách hỗ trợ lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động; Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể; Chính sách hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19; Đề xuất ngân hàng Trung ương hỗ trợ đột xuất cho các tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TBXH còn đề xuất 2 nhóm chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đó là chính sách cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc cho người lao động trong DN và chính sách hỗ trợ cho vay trả lương cho người lao động trong DN bị tạm dừng hoạt động. Tổng hợp chung kinh phí đề xuất 9 nhóm hỗ trợ trên là gần 27.600 tỉ đồng.
Quang DũngTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.