Đề xuất hỗ trợ tối đa 3 tháng tiền thuê nhà trọ cho người lao động

Sự kiện
02:25 PM 17/02/2022

Bộ Lao động đang lấy ý kiến về dự thảo hướng dẫn chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, trên cơ sở nghị quyết về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ. Dự thảo sẽ hoàn thành trong tháng 2, áp dụng với lao động khu vực chính thức, có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).

Với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, Bộ đề xuất hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng, tối đa ba tháng. Điều kiện là lao động làm việc tại các khu công nghiệp, chế xuất, vùng kinh tế trọng điểm, đang thuê trọ từ ngày 1/1 đến 30/6/2022; có hợp đồng lao động ký trước ngày 1/1/2022 và đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước lúc doanh nghiệp lập danh sách đề nghị hỗ trợ.

Đề xuất hỗ trợ tối đa 3 tháng tiền thuê nhà trọ cho người lao động - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Với người quay trở lại thị trường lao động, chính sách hỗ trợ một triệu đồng/tháng/người, tối đa ba tháng. Điều kiện là lao động làm việc trong khu công nghiệp, chế xuất, vùng kinh tế trọng điểm, đang phải ở nhà thuê, ở trọ từ ngày 1/1 đến 30/6/2022; có hợp đồng lao động từ một tháng trở lên và thời điểm ký ngày 1/1-30/6/2022; đang tham gia BHXH bắt buộc.

Trường hợp người lao động chưa tham gia BHXH bắt buộc thì phải có tên trong danh sách trả lương của người sử dụng lao động của tháng liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.

Dự thảo nêu rõ, người lao động làm đơn đề nghị hỗ trợ theo mẫu nộp lên công ty. Doanh nghiệp lập danh sách, công khai tại nơi làm việc trong 5 ngày.

Trường hợp có ý kiến phản ánh hoặc cần xác minh thêm, thời hạn giải quyết trong 2 ngày. Trước ngày 15 hằng tháng, doanh nghiệp gửi danh sách đề nghị hỗ trợ tới cơ quan bảo hiểm xã hội để xác nhận lao động đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong 2 ngày.

Hồ sơ sau đó gửi về UBND cấp huyện, nơi công ty đặt trụ sở để xét duyệt, chậm nhất ngày 31/7/2022. Chính quyền cấp huyện trong hai ngày phải duyệt và trình lên UBND cấp tỉnh. Trong hai ngày tiếp theo, cấp tỉnh xem xét, quyết định hỗ trợ, cập nhật kết quả vào hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư. Tiền hỗ trợ sẽ được chuyển về doanh nghiệp, chi trả cho người lao động trong hai ngày kế tiếp.

Quy trình kéo dài tối thiểu 13-15 ngày từ lúc nộp hồ sơ tới lúc người lao động nhận được tiền hỗ trợ. Tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 6.600 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Chính sách triển khai trên nguyên tắc đúng người, công khai, không để trục lợi, không hỗ trợ với lao động không có đơn đề nghị, người không thực hiện đúng quy định pháp luật về hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Thống kê cả nước có khoảng 70% lao động đang thuê trọ ở các khu nhà người dân tự xây, diện tích dưới 3 m2/người. Hơn 1,7 triệu công nhân cả nước cần chỗ ở ổn định, trong khi thu nhập bình quân 4-6 triệu đồng/tháng, chưa tính tăng ca. 70% công nhân thuộc nhóm thu nhập dưới 10 triệu đồng. Người lao động hầu như không có khả năng tích lũy mua nhà.

HM (t/h)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.