Đề xuất kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2026
Chính phủ đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đến hết năm 2026 nhằm thúc đẩy tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích tăng trưởng.
Sáng 13/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình Quốc hội tờ trình Chính phủ dự thảo nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2025, Quốc hội đã quyết nghị giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế VAT 10% (còn 8%), trong đó trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.
Giải pháp giảm thuế VAT cùng với các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu.
Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, nền kinh tế nước ta còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Các động lực tăng trưởng chưa có sự bứt phá rõ nét theo yêu cầu tăng trưởng đặt ra.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng (Ảnh: Quốc hội)
Để góp phần tạo động lực thúc đẩy, phát triển nền kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, tiêu dùng trong nước trong năm 2025 và năm 2026, cần tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT.
Về nội dung dự thảo, Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%). Trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ là viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng).
Thời gian áp dụng từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.
Theo Bộ trưởng Tài chính, dự kiến, chính sách này sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng gần 122.000 tỷ đồng trong 18 tháng áp dụng (gồm khoảng trên 39.500 tỷ đồng trong nửa cuối năm 2025 và 82.200 tỷ đồng trong năm 2026).
Dù vậy, theo Bộ trưởng Tài chính, việc tiếp tục giảm thuế là cần thiết trong bối cảnh sức mua trong nước chưa phục hồi mạnh, chi phí sản xuất vẫn cao và nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt từ xung đột thương mại quốc tế.
“Chính sách này sẽ hỗ trợ trực tiếp người dân, doanh nghiệp bằng cách giảm giá hàng hóa dịch vụ, giúp doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và tạo thêm việc làm”, ông Thắng nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng và nêu rõ, về thời hạn áp dụng chính sách, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục cho phép áp dụng chính sách cho 6 tháng cuối năm 2025 và năm 2026 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Một số ý kiến cho rằng, việc thực thi chính sách giảm thuế giá trị gia tăng thời gian qua chưa thực sự có tác động rõ rệt, ảnh hưởng tới tính ổn định và hiệu lực của Luật Thuế Giá trị gia tăng vừa được Quốc hội thông qua (thời điểm áp dụng của Nghị quyết riêng về giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng 2% và thời điểm áp dụng Luật Thuế Giá trị gia tăng vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám đều là từ 1/7/2025). Do đó, đề nghị cân nhắc trong trường hợp cần thiết, chỉ kéo dài thời hạn thực hiện chính sách đến hết năm 2025 và ban hành trong Nghị quyết chung của Kỳ họp.
Ủy ban Kinh tế và Tài chính cơ bản thống nhất với đề xuất tiếp tục cho phép áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng như kiến nghị của Chính phủ và đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm tra để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.
Huyền My (t/h)
HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa.