Để xuất khẩu rau quả đạt mục tiêu vượt 8 tỷ USD

Xuất nhập khẩu
12:01 PM 01/02/2025

Sau thành công năm 2024 với kim ngạch xuất khẩu hơn 7,1 tỷ USD, ngành rau quả Việt Nam đẩy mạnh đầu tư chế biến sâu để đạt mục tiêu xuất khẩu 8 tỷ USD trong năm nay.

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2025, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 416,528 triệu USD, giảm 11,3% so với tháng 12/2024 và giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2024. Dù vậy, ngành này vẫn ghi nhận xuất siêu khoảng 131,998 triệu USD, phản ánh một mặt tích cực trong bức tranh xuất khẩu chung.

Để xuất khẩu rau quả đạt mục tiêu vượt 8 tỷ USD- Ảnh 1.

Năm 2025, ngành rau quả Việt Nam đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 8 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2024.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), người tiêu dùng tại các thị trường lớn hiện nay đang ngày càng ưu tiên các sản phẩm rau quả hữu cơ và chế biến sâu. Dòng sản phẩm này không chỉ đáp ứng nhu cầu về sức khỏe mà còn tạo ra cơ hội lớn cho ngành rau quả. Thị trường rau quả hữu cơ, theo dự báo, sẽ đạt giá trị 11,92 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) lên tới 5,9%. Đây là một xu hướng đang được thúc đẩy mạnh mẽ bởi các hoạt động nông nghiệp bền vững và sự đổi mới trong ứng dụng khoa học công nghệ.

Đối với các sản phẩm chế biến, đặc biệt là trái cây sấy khô, thị trường toàn cầu được dự đoán sẽ đạt 16,55 tỷ USD vào năm 2030, tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 5,6%. Châu Á - Thái Bình Dương sẽ là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong giai đoạn 2025-2030. Tại các quốc gia đông dân như Trung Quốc và Ấn Độ, nhu cầu đối với các sản phẩm này cũng đang tăng mạnh.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sản lượng rau quả tươi của Việt Nam rất lớn, nhưng tỷ lệ chế biến sâu vẫn còn thấp. Đây là một trong những yếu tố hạn chế việc tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, nơi nhu cầu về sản phẩm chế biến rất cao.

Để đạt được kim ngạch 8 tỷ USD, ngành rau quả Việt Nam sẽ cần phát huy tối đa các tiềm năng từ việc chế biến sâu, tăng cường giám sát chất lượng và mở rộng thị trường. Đây là thời điểm then chốt để các doanh nghiệp và cơ quan chức năng cùng nhau nỗ lực xây dựng một ngành rau quả phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của thế giới.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam đề xuất: Nhà nước tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho ngành rau, quả tiếp tục phát triển và phát triển mạnh hơn. Thứ hai là đẩy mạnh đàm phán để nhiều mặt hàng rau, quả khác của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường lớn, truyền thống và thúc đẩy mở rộng thêm thị trường mới cho rau, quả.

Thứ ba là tiếp tục hỗ trợ người sản xuất xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, đẩy nhanh tiến độ cấp mã số để tăng năng lực xuất khẩu của ngành rau, quả Việt Nam. Thứ tư là xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn quốc gia đối với các loại rau, quả xuất khẩu chủ lực.

Mỗi năm, Việt Nam sản xuất hơn 30 triệu tấn rau, quả, nhưng chỉ hơn 20% trong số này được chế biến. Tín hiệu đáng mừng là 3 năm trở lại đây, rau quả qua chế biến xuất khẩu đã vượt 1 tỷ USD. Rau quả chế biến không chỉ giúp kéo dài thời gian bảo quản, mà còn tăng giá trị hàng hóa gấp 3-4 lần so với sản phẩm tươi.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn