Đề xuất lộ trình 3 giai đoạn chuyển đổi từ thuế khoán sang kê khai với hộ kinh doanh
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề xuất lộ trình gồm 3 giai đoạn để chuyển đổi hộ kinh doanh từ hình thức thuế khoán sang tự kê khai, đi kèm hỗ trợ kỹ thuật và tài chính.
Bộ Tài chính vừa công bố bản tổng hợp, giải trình và tiếp thu ý kiến góp ý đối với hồ sơ dự án Luật Quản lý thuế (thay thế).
Theo bản công bố này, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) đồng thuận với việc xóa bỏ chế độ thuế khoán. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng việc chuyển đổi hình thức tính thuế với hộ kinh doanh cần có lộ trình kèm các chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh.
Cụ thể, cảnh báo có thể bị quá tải hệ thống, tăng chi phí tuân thủ cho hộ kinh doanh khi chuyển đổi từ mô hình thuế khoán sang kê khai, Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN trong góp ý cho Bộ Tài chính về dự án luật Quản lý thuế (thay thế) đã đề xuất thực hiện chuyển đổi theo lộ trình 3 giai đoạn.

Ảnh minh họa: Internet
Trong giai đoạn 1 (năm 1 - 2), trọng tâm là chuẩn bị nền tảng kỹ thuật và triển khai thí điểm. Nhà nước cần hoàn thiện khung hành lang pháp lý, cung cấp phần mềm kế toán đơn giản và hóa đơn điện tử miễn phí, tập huấn kỹ năng ghi chép sổ sách và kê khai thuế cho hộ kinh doanh nhỏ. Đặc biệt, Nhà nước cần hỗ trợ miễn phí phần mềm, chi phí thiết bị đầu vào (bao gồm máy tính bảng, internet) và trợ cấp chi phí đào tạo cho các hộ ở vùng sâu, vùng xa.
Giai đoạn 2 (năm 2 - 4) sẽ mở rộng áp dụng thuế kê khai bắt buộc với các hộ có doanh thu ở mức nhất định, nhưng cần đi kèm các ưu đãi thuế tạm thời như giảm 20 - 30% thuế trong năm đầu, hỗ trợ chi phí thuê kế toán và tiếp cận tín dụng vi mô ưu đãi…
Về mặt kỹ thuật, cần nâng cấp hệ thống quản lý thuế tại địa phương, tích hợp nền tảng kê khai - thanh toán - nộp thuế và tiếp tục đào tạo kỹ năng tài chính số cho hộ kinh doanh.
Giai đoạn 3 (năm 4 - 5) chuẩn hóa và kết thúc hoàn toàn chế độ thuế khoán trên toàn quốc. Trong giai đoạn này, hộ kinh doanh sẽ được tích hợp vào hệ thống quản lý thuế quốc gia như các doanh nghiệp nhỏ, cũng như được hỗ trợ công cụ kế toán điện tử tự động và tiếp tục hưởng ưu đãi thuế khi chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Viện đề nghị Nhà nước hỗ trợ tài chính cho các hộ ở vùng khó khăn trong quá trình chuyển đổi, thúc đẩy chính sách bảo hiểm xã hội, tín dụng, đào tạo lao động cho các hộ đã chính thức hóa.
Như vậy, 3 giai đoạn mà Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN đề xuất có thể kéo dài đến 5 năm, sau đó việc chuyển đổi từ thuế khoán sang thuế kê khai mới hoàn chỉnh và chạy tốt được.
Phản hồi về góp ý của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính cho biết Nghị quyết 198 yêu cầu xóa bỏ hình thức khoán thuế từ đầu năm 2026. Chính vì vậy, Luật Quản lý thuế sẽ phải sửa đổi quy định về chính sách quản lý thuế với hộ kinh doanh để thực hiện theo phương pháp tự kê khai từ thời điểm này.
Cũng góp ý về quản lý thuế với hộ kinh doanh, UBND TP Hà Nội đề xuất quy định bắt buộc các hộ phải đăng ký tài khoản ngân hàng và sử dụng giao dịch điện tử phục vụ riêng cho hoạt động kinh doanh. Theo cơ quan này, việc tách bạch dòng tiền cá nhân và kinh doanh là điều kiện tiên quyết để minh bạch nguồn thu, từ đó tạo thuận lợi cho cơ quan thuế trong theo dõi, xác định nghĩa vụ thuế.
Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến, điều chỉnh dự thảo Luật Quản lý thuế, trong đó đưa ra mô hình quản lý thuế phù hợp với đặc thù của hộ kinh doanh, bảo đảm minh bạch, khả thi trong triển khai thực tế.
Huyền My (t/h)
Giới chức trách Nghệ An kỳ vọng đầu tư công sẽ tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng mạnh trong bối cảnh các ngành, lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn.