Đề xuất miễn học phí cho con của người lao động bị mất việc bởi Covid-19
Theo lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có thể sẽ trình Chính phủ miễn, giảm học phí cho con người lao động bị ảnh hưởng công việc do dịch Covid-19.
Các chuyên gia tham gia giao lưu. Ảnh: Laodongthudo
Sáng 18/6, báo Lao động Thủ đô phối hợp cùng Liên đoàn Lao động quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Phổ biến pháp luật lao động, giải đáp những vướng mắc về chính sách tiền lương và các chế độ theo lương”.
Nhiều nội dung mới đáng chú ý của Bộ luật Lao động
Buổi toạ đàm có sự tham góp của các nhà quản lý, chuyên gia pháp luật, sẵn sàng chia sẻ các thông tin thiết thực về pháp luật lao động cho người dân và hơn 300 cán bộ công đoàn trực thuộc Liên đoàn Lao động quận Hoàn Kiếm.
Nói về lý do của buổi giao lưu, bà Lê Thị Bích Ngọc – Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô cho hay, ở Việt Nam, chính sách tiền lương và các chế độ theo lương đã trải qua nhiều lần cải cách. Nhờ đó, tiền lương khu vực công từng bước được cải thiện, góp phần nâng cao đời sống. Tiền lương khu vực doanh nghiệp từng bước được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Do có nhiều điểm mới của pháp luật lao động nên quá trình thực hiện sẽ có những lúng túng.
“Với mong muốn giúp người lao động, người sử dụng lao động có thêm kiến thức về những điểm mới của pháp luật lao động, nhất là chính sách tiền lương và các chế độ theo lương, buổi giao lưu đã mời đến các chuyên gia, có nhiều kinh nghiệm, kiến thức để sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ” – bà Ngọc nói thêm.
Tại buổi giao lưu, nhiều thông tin bổ ích đã được cập nhật, như việc nêu bật những điểm mới của Bộ luật Lao động năm 2019. Cụ thể, ở chế định làm thêm giờ, nếu hệ thống pháp luật trước đây quy định số giờ làm thêm không quá 30 giờ/tháng thì nay, nội dung này được pháp luật hiện hành điều chỉnh tăng tới không quá 40 giờ/tháng.
Tuổi nghỉ hưu cũng là một nội dung nhận được nhiều quan tâm, trong đó có việc tăng tuổi cho cả nam và nữ. Trong điều kiện làm việc bình thường, tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh theo lộ trình đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028, và đủ 60 tuổi với lao động nữ vào năm 2035.
Thắc mắc về chế độ lương hưu, ông Bùi Nguyên Căn, Công ty Cổ phần Đồng Xuân đặt câu hỏi về phía Ban tổ chức: “Hiện tại, công ty chúng tôi có 2 lực lượng trực đêm là bảo vệ chợ đêm và bảo vệ tuyến phố ban đêm, có được chi trả lương theo chế độ. Tôi xin hỏi sau này về hưu chúng tôi có được hưởng chế độ tiền lương không? Và độ tuổi nghỉ hưu có được nghỉ sớm không hay tính như bình thường?”.
Ngay sao đó, chuyên gia Tạ Văn Dưỡng – Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cho biết, theo quy định của Bộ luật Lao động, tiền lương hiện tại của người lao động ban đêm được tính bằng lương ban ngày cộng thêm 30%. Trên cơ sở đó, người lao động tham gia đóng quỹ bảo hiểm xã hội thì khi nghỉ hưu sẽ được chi trả. Công việc này không thuộc danh mục những công việc nặng nhọc, nguy hiểm nên người lao động không được nghỉ hưu sớm, độ tuổi nghỉ hưu vẫn tính như bình thường.
Xem xét kiến nghị Bộ GD&ĐT, Chính phủ miễn học phí
Quan tâm đến gói hỗ trợ từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Bùi Quốc Doanh – Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn T&T đưa câu hỏi: “Trong thời gian dịch Covid-19, chúng tôi chấp hành nghiêm giãn cách xã hội và phòng chống dịch, không có ai mắc bệnh, cách ly thực hiện nghiêm, người lao động không mất việc làm. Vừa qua Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Quyết định 643 chi trả trợ cấp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch. Xin các chuyên gia tư vấn thêm để chúng tôi hiểu rõ hơn về quyết định này?”.
Hồi âm thắc mắc này, bà Hồ Thị Kim Ngân – Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động Việt Nam phân tích, Quyết định 643 là gói hỗ trợ của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam trên cơ sở nguồn chi từ tiền tích lũy từ liên đoàn lao động cấp tỉnh, cấp trên cơ sở.
Theo đó, sẽ chi cho 2 đối tượng: Bị thiếu hoặc mất việc làm dẫn đến thu nhập giảm, thấp hơn tiền lương cơ sở; đối tượng thứ 2 nếu người lao động rơi vào trường hợp đặc biệt khó khăn như nữ mang thai, lao động nuôi con nhỏ, người lao động là người khuyết tật, hoặc là lao động chính nhưng có gia đình, người thân đang mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị tại bệnh viện hoặc tại nhà.
Ngoài ra, những trường hợp đặc biệt khó khăn khác do liên đoàn lao động cấp tỉnh và liên đoàn lao động cấp trên cơ sở, đơn vị có nguồn dự phòng được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao sử dụng năm 2020 cũng được chi từ nguồn đó.
Quan tâm đến chính sách miễn, giảm học phí, anh Trần Minh Tuấn – Chủ tịch Công đoàn cơ quan Cung Thiếu nhi Hà Nội đặt tình huống: “Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cơ quan tôi phải nghỉ theo chủ trương chung là giãn cách xã hội để phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Cơ quan tôi đã áp dụng cho nhân viên nghỉ không lương và hoặc nghỉ luân phiên. Đối với trường hợp như cơ quan tôi thì tổ chức công đoàn có thể đề nghị giảm học phí cho con người lao động nghỉ không lương hoặc bị chấm dứt hợp đồng lao động không? Trong quá trình nghỉ không lương như vậy có thể hoãn, giãn công đoàn phí hay không?”.
Đánh giá đây là vấn đề rất đáng quan tâm, bà Hồ Thị Kim Ngân cho rằng, đối với trường hợp người lao động muốn đề nghị miễn giảm học phí, công đoàn cơ sở có thể làm kiến nghị lên Tổng Liên đoàn Lao động để Tổng Liên đoàn kiến nghị lên Chính phủ, Bộ GD&ĐT, cơ quan chức năng để có thể xem xét các trường hợp này.
Đối với vấn đề phí công đoàn, từ tháng 3 năm nay, Tổng Liên đoàn đã có Công văn số 245 hướng dẫn các cấp công đoàn cơ sở, doanh nghiệp lùi việc thu phí công đoàn sang tháng 6 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nếu ảnh hưởng dịch bệnh kéo dài có thể kéo dài đến tháng 12/2020.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.