Đề xuất mở tài khoản giao dịch carbon thông qua công ty chứng khoán
Công ty chứng khoán có hạ tầng phù hợp có thể cung cấp dịch vụ giao dịch hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon và thông báo với bên mua, bán sau khi khớp lệnh.
Tại tờ trình về dự thảo Nghị định sàn giao dịch carbon trong nước, thị trường carbon sẽ vận hành thí điểm từ tháng 6/2025 đến hết năm 2028 trước khi chính thức hoạt động từ năm 2029. Giai đoạn này nhằm hoàn thiện hệ thống giao dịch, quy trình quản lý và cơ chế thanh toán, đồng thời đánh giá khả năng vận hành thực tế của thị trường trong nước.

Ảnh minh họa
Một trong những đề xuất đáng chú ý của Bộ Tài chính là các công ty chứng khoán làm trung gian hỗ trợ giao dịch. Tương tự chứng khoán, các khách hàng, nhà đầu tư sẽ đăng nhập, kết nối qua các công ty này, thay vì trực tiếp tới hệ thống giao dịch.
Mô hình trung gian hỗ trợ này giúp nâng cao tính an ninh, bảo mật. Khi một trung gian gặp sự cố mạng, các trung gian khác và hệ thống giao dịch không bị ảnh hưởng.
Thêm vào đó, công ty chứng khoán đều sẵn có hạ tầng công nghệ kết nối đến sở giao dịch chứng khoán, trung tâm lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, thuận lợi để hỗ trợ giao dịch.
Ngoài ra, theo tờ trình, dự kiến sẽ có 2 loại hàng hóa trên thị trường giao dịch carbon Việt Nam gồm hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ cho các cơ sở và tín chỉ carbon được xác nhận giao dịch trên thị trường.
Trong đó, hạn ngạch phát thải khí nhà kính, được phân bổ cho các cơ sở thuộc “Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính” do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo phương thức miễn phí và phương thức đấu giá.
Còn một loại hàng hóa khác là tín chỉ carbon được xác nhận, thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon cả trong nước và quốc tế. Tín chỉ carbon thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi , bù trừ tín chỉ carbon quốc tế gồm: Cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế tín chỉ chung (JCM) và Cơ chế theo Điều 6 Thỏa thuận Paris.
Hai loại hàng hóa này phải được Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác nhận, ghi nhận trên hệ thống đăng ký quốc gia trước khi được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đưa vào hệ thống giao dịch.
Để giao dịch một trong hai loại hàng hóa này, các cá nhân, tổ chức phải mở tài khoản tại công ty chứng khoán hỗ trợ giao dịch trên thị trường carbon. Giao dịch thực hiện theo phương thức thỏa thuận, được công ty chứng khoán thông báo kết quả cho các bên sau khi khớp lệnh. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cung cấp kết quả giao dịch cho Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam để thanh toán giao dịch qua ngân hàng.
Trường hợp công ty chứng khoán cũng là bên đầu tư tín chỉ, dự thảo quy định họ phải ưu tiên khớp lệnh cho khách hàng với mức giá ngang bằng hoặc cao hơn mức khách hàng yêu cầu.
Để sử dụng hiệu quả nguồn lực, Bộ Tài chính đề xuất quyết định số lượng ngân hàng thương mại tham gia thanh toán theo từng thời kỳ, căn cứ vào quy mô và nhu cầu thực tế của thị trường carbon.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng nhận định rằng các sản phẩm giao dịch trên thị trường carbon, đặc biệt là tín chỉ carbon, hiện chưa đạt mức độ chuẩn hóa cao. Vì vậy, trong giai đoạn đầu, số lượng chủ thể tham gia có thể không nhiều và thanh khoản thị trường có thể còn hạn chế.
Việc triển khai sàn giao dịch carbon là bước đi cụ thể trong khuôn khổ Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, đã được Chính phủ phê duyệt từ đầu năm nay.
Minh An (t/h)
Theo kế hoạch, ngày mai (3/4) là thời điểm liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ. Căn cứ giá xăng dầu tuần qua, các chuyên gia nhận định, giá xăng, dầu ngày 3/4 có thể sẽ được điều chỉnh tăng lần thứ 3 liên tiếp.