Đề xuất nâng gói hỗ trợ tài khóa lên khoảng 5 - 7% GDP

Diễn đàn
03:35 PM 06/12/2021

Theo Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, quy mô gói ngân sách hỗ trợ cho nền kinh tế của Việt Nam hiện chưa đến 3% GDP nên có thể nâng lên khoảng 5% - 7% GDP, để đáp ứng các tiêu chí kịp thời, đúng đối tượng, đủ dài, đủ bao trùm để mang lại hiệu quả như mong đợi...

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 phức tạp khiến nền kinh tế nhiều nước chậm lại, trong đó có Việt Nam, các nước đều phải tiếp tục các chính sách tài khóa mở rộng để ứng phó với dịch bệnh và kích thích kinh tế. 

Đề xuất nâng gói hỗ trợ tài khóa lên khoảng 5% - 7% GDP - Ảnh 1.

Các nước đều phải tiếp tục các chính sách tài khóa mở rộng để ứng phó với dịch bệnh và kích thích kinh tế. Ảnh: Internet

Tại châu Á, hầu hết các chính phủ châu Á đã sử dụng chính tài khóa nghịch chu kỳ, tăng chi ngân sách hỗ trợ kết hợp miễn, giảm, hoãn, gia hạn nộp thuế, phí các loại. Nhiều nước cũng có hỗ trợ gián tiếp thông qua các biện pháp hỗ trợ lãi vay, thanh khoản, bảo lãnh. Điều này nhằm chống lại suy thoái kinh tế, an sinh xã hội và tạo việc làm cho người dân, nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19.

Tại Việt Nam, chính sách tài khóa đóng vai trò chủ đạo song vẫn cần có sự kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ, để tạo ra các nguồn lực tốt nhất hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm hồi phục và phát triển. 

Do đó, ADB khuyến nghị Việt Nam cần xác định mục tiêu phù hợp với từng thời kỳ để xây dựng gói hỗ trợ với quy mô đủ lớn. 

Tại diễn đàn "Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững", ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, cho rằng: "Gói ngân sách hỗ trợ cho nền kinh tế hiện mới chưa đến 3% GDP nên có thể nâng lên khoảng 5% - 7% GDP, để đáp ứng các tiêu chí kịp thời, đúng đối tượng, đủ dài, đủ bao trùm để mang lại hiệu quả như mong đợi".

Theo ông, trong ngắn hạn, mục tiêu của gói hỗ trợ tài khóa là kiềm chế đại dịch, giảm thiểu tác động về y tế và kinh tế nên sẽ cần dành ưu tiên cho chi tiêu y tế, đảm bảo an sinh xã hội đối với người dân và người lao động, hỗ trợ khu vực doanh nghiệp trong những ngành lan tỏa, có khả năng phục hồi.

Còn về dài hạn, với mục tiêu hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, các biện pháp tài khóa trong giai đoạn này cần chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp, từ hỗ trợ về tài chính sang hỗ trợ về cơ chế, từ  hỗ trợ số nhiều sang số ít các đối tượng còn chịu ảnh hưởng lâu dài của đại dịch, hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng trưởng xanh, bền vững.

Cùng với đó, ADB đặc biệt lưu ý tới đầu tư công, xem đây tiếp tục là trụ đỡ của phát triển kinh tế trong giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, trong việc triển khai giải pháp về y tế và kinh tế, cần có sự phối hợp, hợp tác và hỗ trợ quốc tế, giữa các nước, các khu vực với nhau cũng như các tổ chức quốc tế, đặc biệt là khi chuyển sang giai đoạn bình thường mới.

“Việc phân hóa về quy mô của các gói hỗ trợ càng cho thấy nhu cầu về nâng cao hợp tác và đoàn kết trong khu vực để thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ trên toàn bộ châu Á”, chuyên gia ADB nêu rõ.

Đề xuất nâng gói hỗ trợ tài khóa lên khoảng 5% - 7% GDP - Ảnh 2.

Diễn đàn "Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững". Ảnh: VnEconomy

Đồng quan điểm, TS. Phạm Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cần thiết thực hiện gói hỗ trợ lãi suất giúp DN phục hồi và phát triển. Theo đó, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước trình Chính Phủ, Quốc hội thu xếp gói hỗ trợ lãi suất (khoảng 7 -10% GDP), tương đương với mức dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng với thời gian tối đa 2 năm để hỗ trợ DNNVV. 

Ông Hùng nhìn nhận, quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, năng lực cạnh tranh thấp, nên khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lan rộng, hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có tiếp cận các nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Với quan điểm DN có tồn tại và phát triển thì người lao động mới có việc làm, do đó rất cần gói hỗ trợ này.

Trong khi đó, theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, tổng thể các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội và các chính sách khác vào khoảng 844.000 tỷ đồng về danh nghĩa, còn về thực chi vào khoảng 445.000 tỷ đồng, tương đương 5,12% GDP. Gói hỗ trợ này sẽ đủ sức hấp thụ trong thời gian tới, và khi áp dụng gói chính sách này, chúng ta cần chấp nhận thâm hụt ngân sách ít nhất 0,1 điểm % cho mỗi năm.

“Để huy động nguồn lực cho gói hỗ trợ này, chúng ta có thể huy động từ việc tiết giảm chi phí (khoảng 29.000 tỷ đồng); thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn (80.000 tỷ đồng); cho phép Bảo hiểm tiền gửi, Bảo hiểm xã hội dùng tiền nhàn rỗi để mua trái phiếu Chính phủ (hơn 51.000 tỷ đồng); phát hành trái phiếu Chính phủ mà Ngân hàng Nhà nước có thể mua (hơn 220.000 tỷ đồng); rà soát các quỹ ngoài ngân sách (20.000 tỷ đồng); sử dụng một phần dự trữ ngoại hối nếu cần (45.400 tỷ đồng). Như vậy, Việt Nam phải huy động được khoảng 445.000 tỷ đồng, tương đương hơn 5%GDP cho 2 năm tới”, TS Cấn Văn Lực đề xuất.

An Mai
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.