Đề xuất nghiên cứu mở lại đường bay quốc tế trong tháng 7 tới
Cục Hàng không đề xuất có thể nghiên cứu khôi phục các chuyến bay quốc tế thương mại thường lệ đưa khách vào Việt Nam vào cuối tháng 7/2020.
Báo cáo mới đây gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không VN cho biết, các nước trên thế giới đang cân nhắc về “Travel bubble” (di chuyển nội khối hoặc hành lang di chuyển) để khởi động lại hoạt động đi lại quốc tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diến biến phức tạp.
Theo đó, mô hình di chuyển nội khối được hiểu là 2 hoặc nhiều quốc gia đã kiềm chế thành công Covid-19 thống nhất tạo ra một khối, hành lang di chuyển. Những người sống trong khối có thể đi lại tự do (bằng các phương tiện giao thông đường bộ, đường biển, đường hàng không) và tránh được yêu cầu kiểm dịch bắt buộc.
Đề xuất nghiên cứu mở lại đường bay quốc tế trong tháng 7 tới
Trung Quốc đang xem xét mở rộng “di chuyển nội khối” của họ trên phạm vi bao phủ Trung Quốc đại lục đến Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc), Ma Cao cũng như Hàn Quốc.
Israel đang lên kế hoạch để có được một thỏa thuận về “di chuyển nội khối” với Hy Lạp và Síp.
Tại Việt Nam, Cục Hàng không đề xuất có thể nghiên cứu khôi phục các chuyến bay quốc tế thương mại thường lệ đưa khách vào Việt Nam vào cuối tháng 7.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc mở lại các đường bay quốc tế sẽ phải tuân thủ hàng loạt điều kiện chặt chẽ.
Duy trì và đảm bảo tính khả thi không nên hạn chế nguồn khách, trong đó có cả khách du lịch với điều kiện khách đảm bảo quy định được phép nhập cảnh.
Theo đó, đường bay quốc tế có thể mở đến các quốc gia/vùng lãnh thổ không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng trong 30 ngày liên tục. Khách phải ở quốc gia, vùng lãnh thổ đối tác tối thiểu 30 ngày liên tục trước khi thực hiện chuyến bay.
Khách phải có giấy chứng nhận âm tính SARS-CoV-2 được cấp trong vòng 3 ngày trước ngày dự kiến thực hiện chuyến bay.
Ngoài ra, khách phải được xét nghiệm nhanh bằng bộ kit xét nghiệm SARS-CoV2 tại cảng hàng không đến của Việt Nam.
Chi phí xét nghiệm do hãng hàng không chi trả. Hành khách nhập cảnh phải lưu trú tại các địa điểm do UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định và có trả phí.
Tổ bay, nhân viên hàng không, nhân viên quản lý xuất nhập cảnh, hải quan, kiểm dịch y tế phụ trách chuyến bay phải trang bị đồ bảo hộ và không phải cách ly sau chuyến bay.
Để triển khai kế hoạch trên, Cục Hàng không Việt Nam cũng kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao trao đổi với cơ quan ngoại giao các đối tác để thống nhất việc phối hợp kết nối hoạt động hàng không thường lệ trước khi Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam làm việc với các cơ quan liên quan của đối tác để trao đổi các nội dung cụ thể nhằm kết nối đường bay.
Được biết, ngoài thị trường Đông Nam Á, thị trường Đông Bắc Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản rất quan trọng với các hãng hàng không Việt Nam.
Các đường bay quan trọng này nếu được khôi sẽ tác động lớn đến khả năng phục hồi sau dịch của các hãng hàng không trong nước.
Vũ ĐiệpDự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.